Ads (728x90)

Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á đang tìm cách đặt ảnh hưởng lên Bắc cực, trước hết thông qua con đường khoa học.

Trong vài năm qua, nghiên cứu Bắc cực đã trở thành một nhánh trong chiến lược đối ngoại của nhiều quốc gia châu Á. Lý do được đưa ra là các nước cần tìm hiểu về quá trình biến đổi khí hậu ở Bắc cực cùng hậu quả nó gây lên môi trường và nền kinh tế các nước này.

Cụ thể, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng biến đổi khí hậu ở Bắc cực sẽ gây nên lũ lụt ở các vùng đồng bằng ven biển Trung Quốc và đe dọa an ninh lương thực của nước này. Trong khi đó, giới chức Ấn Độ lo lắng những thay đổi ở Bắc cực sẽ ảnh hưởng đến gió mùa, vốn là yếu tố không thể thiếu với nền nông nghiệp của nước này.

Lý do thứ hai của cuộc chạy đua Bắc cực là các nước châu Á muốn củng cố sự hiện diện và lợi ích của mình tại khu vực này, theo The Diplomat.

Cac 'ong lon' chau A va cuoc dua gianh phan tai Bac cuc - Anh 1

Quá trình biến đổi khí hậu của Bắc cực đang gây ảnh hưởng lên toàn thế giới, không riêng gì những nước tiếp giáp khu vực. Ảnh: Offshoreenergytoday.com

'Ông lớn' châu Á đổ đến Bắc cực

Năm 2013, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc cực, vốn là cơ chế hợp tác liên chính phủ của các quốc gia có lãnh thổ tiếp giáp Bắc cực. Một số nước châu Á còn trở thành thành viên của các tổ chức và diễn đàn hợp tác về Bắc cực như Hội đồng Khoa học Quốc tế về Bắc cực, Hội đồng Nhà quản lý Khoa học Ny-Ålesund (Na Uy) hoặc Năm Bắc cực Quốc tế...

Về lâu dài, việc tham dự các tổ chức, diễn đàn này sẽ hợp thức hóa vai trò của các nước châu Á trong quá trình phân chia ảnh hưởng tại Bắc cực sau này.

Một số nước can dự sâu hơn bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó Trung Quốc là nước tích cực nhất. Từ thập niên 1990 đến nay, nước này đã tiến hành 7 chuyến thám hiểm Bắc cực. Mỗi năm, Bắc Kinh chi 15 triệu USD cho các hoạt động thám hiểm Nam cực và Bắc cực. Năm 2013, Trung tâm Hợp tác Trung Quốc - Bắc Âu về Bắc cực đã được thành lập tại Thượng Hải.

Trong khi đó, Hàn Quốc là nước đầu tiên cho ban hành tài liệu chính thức về chính sách Bắc cực. Trong tài liệu này, Hàn Quốc tuyên bố sẽ là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc mở ra một tương lai bền vững cho Bắc cực.

Về phía Nhật Bản, năm 1998, nước này trở thành nhà tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Bắc cực thuộc Đại học Alaska (Mỹ). Trung tâm này hỗ trợ các nhà khoa học từ nhiều quốc gia hợp tác nghiên cứu nhằm xây dựng một "hiểu biết toàn diện về Bắc cực... với khái niệm rõ ràng và chính xác về vai trò của Bắc cực trong hệ thống toàn cầu".

Năm 2015, Bộ Văn hóa - Giáo dục - Thể thao - Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công bố chương trình 5 năm mang tên Thách thức Phát triển Bền vững cho Bắc cực. Chương trình này nhằm tìm hiểu sự thay đổi khí hậu và môi trường, tác động của chúng lên đời sống con người nhằm dự đoán và tiếp cận môi trường một cách chính xác nhất.

Cac 'ong lon' chau A va cuoc dua gianh phan tai Bac cuc - Anh 2

Tàu phá băng của Trung Quốc ở Bắc cực. Ảnh: Xinhua.

Các quốc gia châu Á cũng tổ chức nhiều chương trình trao đổi tri thức về Bắc cực, cấp học bổng cho sinh viên từ các bộ tộc bản địa ở Bắc cực, mở viện chuyên nghiên cứu khu vực này...

Khoa học - công thức vàng 'đến' Bắc cực

Áp lực từ các cuộc thảo luận về Bắc cực và nguy cơ xung đột với các quốc gia tại Bắc cực buộc chính phủ các nước châu Á phải nhanh chân "xí phần" ở khu vực này để đảm bảo lợi ích an ninh và kinh tế của mình. Nghiên cứu khoa học có thể xem là "công thức vàng" để các quốc gia châu Á, vốn nằm không gần Bắc cực, tiếp cận khu vực này.

Thông qua khoa học, các nước châu Á có thể tìm hiểu và gầy dựng ảnh hưởng lên Bắc cực mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia bản địa. The Diplomat ví dụ việc chính phủ Na Uy và Trung Quốc dù đang quan hệ căng thẳng trong nhiều lĩnh vực vẫn hợp tác nghiên cứu Bắc cực.

Ngoài ra, việc theo đuổi hiểu biết khoa học, dù để phục vụ lợi ích quốc gia, cũng được hoan nghênh là đóng góp vào tri thức nhân loại và hoạt động nghiên cứu quốc tế.

Trong vài năm qua, số lượng công bố khoa học của các chuyên gia châu Á về Bắc cực đã tăng lên đáng kể. Các chủ đề nghiên cứu chủ yếu vẫn là khoa học tự nhiên, nhưng các vấn đề địa chính trị, quản lý tại Bắc cực hay chính sách của châu Á tại khu vực này cũng được bàn luận.

Phương Thảo

Đăng nhận xét