Ngày hôm nay, một ngày đầu đông Hà Nội lạnh, những cơn mưa phùn “lây phây” càng khiến cho không khí thêm trùng xuống. Và con phố Hàng Giầy hôm nay dường như cũng vậy buồn hiu hắt. Ngày thường, con phố ấy tấp nập với người bán, người mua của chốn Kinh kì. Nhưng hôm nay, con phố ấy lại lặng lẽ, gương mặt người bán, người mua đều đượm chút buồn. Ai đi qua con phố ấy cũng khẽ nhìn con ngõ nhỏ số 30 Hàng Giầy. Đặc biệt hơn là với những người đã từng ngồi nơi ấy một ngày mùa đông năm nào đó nhấm nháp vị thơm ngon của “bánh trôi tàu bác Bằng” thì chắc hẳn sẽ lại càng buồn hơn nữa.
Hình ảnh người nghệ sĩ quen thuộc trên truyền hình ngồi thu tiền, lấy những bát bánh trôi tàu mang đến cho khách rồi cười nói và lại kể những câu chuyện vui, chuyện phiếm cho khách nghe. Con ngõ nhỏ luôn rôm rả hơn ngày thường là như thế. Nhưng khoảng ba năm nay, con ngõ ấy đã thư a vắng hình dáng ông chủ quán vì sức khỏe ông chủ đã yếu không còn được như xưa cho nên quán ăn dân dã “bánh trôi tàu bác Bằng” đã thay chủ. Con ngõ nhỏ đã trở thành một quán hàng khác. Tuy nhiên, con ngõ ấy vẫn hàng ngày chờ đón ông – người nghệ sĩ già đi về sau mỗi lần diễn. Khi thì người nghệ sĩ ấy đi taxi, khi thì được người quen đón đưa và nhiều khi ông vẫn tự lái xe máy của mình đến trường quay. Và những người hàng xóm, vẫn quen thuộc một hình ảnh “Bằng hói” trên truyền hình pha cười cho khán giả hoặc là diễn viên một phim nào đó dẫu trở về đời thường là một ông chủ quán bánh trôi tàu, luôn thật dễ mến, gần gũi và cử chỉ quen thuộc là vẫy tay, nở một nụ cười chào đón mọi người.
Thương hiệu, "bánh trôi tàu bác Bằng" sẽ chỉ còn trong nhung nhớ của nhiều thực khách Hà thành. Luyến tếc và nhớ biết bao bát bánh trôi nóng hổi ngày nào tại quán nhỏ ngõ 30 Hàng Giầy.
Nhưng kể từ nay, con ngõ nhỏ buồn lặng, ảm đạm vì sẽ vắng bóng ông, người nghệ sĩ già đã không còn hàng ngày đi về qua đây nữa. Những người hàng xóm sẽ nhớ mãi nụ cười ấy, ánh mắt ấy và dáng người “khum khum” cái đầu “hói hói” vẫy tay chào mọi người.
Không hẹn và gặp, người nghệ sĩ ấy đã ra đi vào một ngày mùa đông chớm đến. Cái lạnh Hà thành đang dần ngấm vào từng con phố, từng ngõ nhỏ. Những hàng cây đìu hiu, và phố Hàng Giầy, nhiều người qua đây, sẽ thấy bâng quơ vì cái lạnh như trùng xuống hơn, nỗi buồn thấm sâu hơn. Bởi, người nghệ sĩ già - ông chủ quán bánh trôi tàu đã trút hơi thở cuối cùng vào những giờ khắc cuối cùng của tháng Mười năm nay. Người ta nhớ lắm những gì mà ông chủ quán bánh bé nhỏ ấy thuở nào đã để lại, đó là dấu ấn có lẽ sẽ khó quên với nhiều người tại con ngõ cổ kính.
Nhớ lại những ngày mùa đông hai ba năm về trước, cái lạnh se sắt không là gì vì con phố Hà thành này tấp nập người ra người vào. Họ đến để thưởng thức “bánh trôi tàu bác Bằng”, họ đến gặp nghệ sĩ họ yêu mến.
Nhưng, đó là ngày đông đã xa, còn chiều nay, họ đến để từ biệt ông. Trong cái nghẹn ngào rưng rưng ấy, thật nhiều câu chuyện về ông chủ quán bánh trôi tàu năm nào được nói lên, đôi mắt người kể ngấn lệ và tràn đầy những niềm nhớ khiến cho những ngời xung quanh không khỏi bùi ngùi. Những câu chuyện thật dài và thật chan chứa tình mến thương.
“Đầu tiên đến cũng vì quý mến bác ấy, muốn đến xem thần tượng của mình ngoài đời thật ra sao, bằng da bằng thịt như nào, có khó gần không. Nhưng đến rồi, ăn miếng bánh trôi tàu rồi thì những lần sau đó, không phải đến gặp “ông ấy” nữa mà đến gặp vị bánh trôi tàu. Vị riêng, đặc biệt, ăn để rồi nhớ mãi, nhớ và buộc phải quay lại. Có lẽ, một ngày đông mà cầm bát bánh trôi tàu “Bằng hói” lên, bàn tay ấm lạ lùng. Hai chiếc bánh trôi trong bát được rưới lên màu nước sánh mịn rồi cho chiếc thìa nhỏ múc một miếng bánh, cho lên miệng. Cái lạnh mùa đông như đã biến mất đâu đó nhường lại cho vị thơm ấm ấp tràn về trên môi. Vị giác như được tưới trong sự ngọt lành của bột gao, của đường và của những gia vị đặc trưng. Ăn một miếng bánh trong khi đói bụng khiến người ta phải ăn ngay lập tức thêm một miếng khác to hơn mới đã. Thậm chí, cảm giác như muốn nuốt chửng cả bát bánh to ấy vào miệng để mà ngấu nghiến cho thỏa sức thèm thuồng của dạ dày. Dẫu rằng, miếng bánh hơi to và dễ làm người ta nghẹn. Nhưng, như một thứ bùa ngải, miếng bánh nóng hổi đã mê hoặc lòng người. Nếu ai đó có tham ăn đến mấy cũng phải dè chừng cắn từng miếng bé một vừa nhai vừa cảm nhận từ từ nơi đầu lưỡi. Bởi nếu như tham ăn giống con trẻ là sẽ bị bỏng.
Ngày ông ấy không bán bánh nữa, nhiều người như tôi, đã buồn mất một khoảng thời gian, vì đã trót “nghiện” mất rồi. Và đành đến những hàng khác làm quen vậy. Nói thật nhé, chiều đông nhá nhem như này, ăn một miếng “bánh trôi tàu bác Bằng” thì sẽ không gì tuyệt diệu hơn. Nhưng, có lẽ, từ nay, giấc mỡ ấy đã không còn, ông Bằng đã đi xa thật rồi. Giá mà, ông vẫn còn sống, để còn được hi vọng rằng có dịp ông khỏe lại, quán mở lại, dẫu biết là khó nhưng cứ kì vọng. Nhưng nay ông mất, thì quán sẽ cùng ông theo về với bên kia. Cũng có thể, ông về bên ấy, để lại chuẩn bị mở một quán bánh nơi ngõ nhỏ và những người nơi ấy được thưởng thức “đặc sản” ngon lành này. – Cô Hoa – một người Hà thành lặng lẽ đứng một hồi lâu trước ngõ 30 Hàng Giầy trong sự rưng rưng của đôi mắt khi nói cảm nhận về nghệ sĩ Phạm Bằng.
Cùng với cô Hoa, nhiều người ngày hôm nay đã đến đây. Họ đến như một thói quen để thưởng thức bánh và để tiễn biệt ông. Hàng xóm hai bên đều lặng lẽ ngồi dõi theo những thực khách cũ của quán nhà ông Bằng. Tuy rằng, không gian lặng lẽ, chỉ có những cái cúi đầu chào nhau, nhưng trong thẳm đôi mắt ai cũng rưng rưng, ngấn lệ. Đôi khi, có những người không kìm nén được, giọt lệ buồn đã rơi trên mi, khé lau vội và hướng mắt vào sâu bên trong con ngõ. Nơi đó là ngôi nhà của người nghệ sĩ đáng kính trên truyền hình, của ông chủ quán bánh trôi tàu tài hoa năm nào.
“Bánh trôi tàu ông Bằng làm ngon lắm, khách đông nườm nượp ấy, tôi hàng xóm muốn ăn nhưng đôi khi cũng phải đợi, phải xếp hàng mới có phần. Đông khách nhất là những chiều đông lạnh như thế này. Nhưng ông ấy vẫn cứ với áo may ô mà chạy, mà đưa bánh cho khách, mà thu tiền, có những khi mồ hôi mướt cả trán. Nhưng ông vẫn cười vui vẻ. Khoảng ba năm nay ông không bán nữa. Con ngõ nhỏ trở nên đìu hiu hơn. Tôi cũng thấy buồn, vì khu phố đang đông vũi bỗng trở nên vắng lặng. Ông sống tốt với mọi người nên ai cũng quý. Sống tốt y như những nhân vật trong phim ông đóng đấy, có trước có sau trọn vẹn nghĩa tình.” – Bà Đoàn Thị Tuyết (hàng xóm của nghệ sĩ Phạm Bằng) bồi hồi nhớ lại.
Con ngõ nhỏ 30 Hàng Giầy từ nay sẽ vắng bóng bác Bằng và hình ảnh quán bánh trôi Tàu chỉ còn trong những nỗi nhớ của nhiều người - những ai may mắn được thưởng thức.
Với nghệ sỹ Phạm Bằng kinh doanh bánh trôi tàu không nhằm mục đích kiếm về những đồng tiền to lớn mà người nghệ sỹ vẫn đau đáu một điều, phải làm sao để mọi người đã ăn bánh ở cửa hàng của Phạm Bằng sẽ không đi đâu được, nếu có đi đâu cũng phải quay về với bánh trôi tàu Phạm Bằng. Bởi vì, quán bánh trôi ấy không đơn thuần là phong vị ẩm thực, mà còn là ân tình của ông với vợ mình suốt cả cuộc đời. Bởi, nhờ quán nhỏ ấy gia đình ông đã vượt qua những năm đói khổ, còn ông được hết mình với từng vai diễn. Đối với ông, món ăn đó thấm đượm ký ức, ân tình của vợ.
“Tôi là đàn ông mà còn còn nghiện món quà chiều của quán bác Bằng huống chi những người phụ nữ. Tôi còn nhớ như in những chiều đông như thế này, hồi đó cách ngày lại đạp xe từ tận Đội Cấn lên Hàng Giầy để ăn quà chiều. Có lúc gặp bác Bằng, có lúc bác ấy đi diễn. Những khi bác ở quán thì quán luôn rôm rả tiếng cười. Quán đông lắm, đôi khi ngồi đợi cả tiếng đồng hồ với được ăn một bát bánh trôi nóng. Vì hàng hết, chờ nhân viên làm bánh mới chín. Những lúc ấy, bác thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về hậu trường nghiệp diễn, rồi bác kể về quán bánh trôi, kể về người vợ của mình. Có lẽ, với bác Bằng, người vợ mà kém bác rất nhiều tuổi ấy đã in sâu dấu ấn trong con người nghệ sĩ. Quán mà bác duy trì ngần ấy năm cũng là do tình yêu với vợ, chỉ khi bác yếu, sức khỏe kém nên đã không bán nữa. Nay bác mất, tôi cũng thực sự buồn. Hôm nay, trời lạnh lạnh nữa, cảm thấy trống trải và nhớ da diết những chiều đông đạp xe lên đây để ăn miếng bánh trôi tàu bác Bằng. Hôm nay, bác đã mất, nhưng có lẽ những chiều đông sau này, tôi sẽ nhớ bác lắm lắm. Thực sự, rất nhớ.” Chú Trung (Đội Cấn – Hà Nội) chia sẻ.
Chỉ với giá “10K/bát” quán hàng “bánh trôi tàu của bác Bằng” luôn đông vui nhộn nhịp. Tôi cũng đã từng ghen tỵ với bác ấy, vì bác bán đắt khách. Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng, do bác ấy là diễn viên nổi tiếng nên mọi người đến. Nhưng không phải, do bánh trôi tàu của bác ấy rất kì diệu. Ai ăn rồi sẽ nhớ mãi khôn nguôi. Tôi bán hàng quà chiều bên này, mà nhiều khi vẫn chạy sang mua về ăn. Đôi lúc, bác không lấy tiền, bác nở nụ cười trìu mến nói “tôi biếu bà”. Khi ấy, bỗng thấy lòng như chùng xuống biết bao nhiêu vì từng ganh tỵ với bác. Còn bác ấy sông chân thật như trong phim, không ghét bỏ ai, luôn cười với mọi người. Giờ bác đã đi rồi, nhưng thực sự, tôi vẫn chưa thể tin , vẫn nghĩ rằng, sẽ còn thấy bác hàng ngày với chiếc xe máy chạy qua đây vẫy tay chào tôi để đi diễn.” – Cô Yên rưng rưng kể lại khi ngước nhìn những người từ khắp nơi lặng lẽ đến trước ngõ 30 Hàng Giấy hướng ánh mắt xa xăm vào con ngõ nhỏ như đang bâng quơ như kiếm tìm một phép màu.
Quán bánh trôi tàu của bác Bằng luôn lọt “top” những quán bánh ngon nhất Hà thành. Và nếu bạn search google thì thương hiệu “bánh trôi tàu bác Bằng” vẫn hiện ra với những kết quả đầu tiên. Mặc dù bác đã nghỉ bán chừng 3 năm. Và ở một nơi khác, thế giới khác, bác Bằng vẫn là một nghệ sĩ và sau mỗi giờ diễn, lại về với cương vị ông chủ quán bánh trôi tàu phục vụ thực khách. Đó là mong ước của những ánh mắt rưng rưng chiều nay tìm đến ngõ 30 Hàng Giầy. Chắc chắn một điều, bác Bằng dẫu có đi về nơi xa nhưng trong tâm trí mọi người, hình ảnh người nghệ sĩ – ông chủ quán hàng bánh trôi tàu sẽ còn in đậm sâu và vương vấn trong lòng mỗi người mỗi khi đông tràn về trên các con phố Hà thành. Như lời nghẹn ngào của một người dân Hà thành chiều nay đến trước ngõ nhỏ 30 Hàng Giầy: “Bác Bằng ở phương ấy, chắc sẽ vẫn lại là nghệ sĩ trên ti vi, bác vẫn đóng phim, diễn hài và lại mở quán bánh trôi tàu bên góc phố đợi chúng ta thôi. Bác sẽ không đi đâu hết, và chúng ta sẽ gặp lại bác trong những chiều đông mà”.
Hiệp Lê
Đăng nhận xét