Ngoài gần 500 đại biểu Quốc hội, những đơn vị liên quan như ban soạn thảo, thẩm tra… cũng có trách nhiệm liên quan.
Tại nhà Quốc hội (QH) ở Hà Nội ngày 28-6 diễn ra một thủ tục đặc biệt: Không phải phiên họp toàn thể nhưng nhiều đại biểu cư trú ở thủ đô tới hòm phiếu đặt trong hội trường bỏ phiếu kín.
Cùng lúc, tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác, các đoàn đại biểu QH triệu tập cuộc họp. Tất cả đều xoay quanh tờ trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cùng một dự thảo nghị quyết kèm theo về việc lùi hiệu lực thi hành cùng lúc bốn đạo luật: BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đây là những luật được QH thông qua cuối năm 2015 và lẽ ra sẽ có hiệu lực vào 1-7 tới nếu không vì hàng loạt sai sót trong BLHS mới ban hành.
Việc lùi hiệu lực thi hành BLHS 2015 cùng các luật, bộ luật nói trên để QH có thời gian sửa chữa là điều đang bàn. Nhưng cần thấy rằng ngay trong đạo luật nhiều sai sót này vẫn có những giá trị rất nhân văn, tiến bộ: Hàng loạt hành vi được phi hình sự hóa, mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội…
Một phiên tòa tại TAND TP.HCM xử tội phạm ma túy, nhóm tội có sai sót lớn trong BLHS 2015 mà báo Pháp Luật TP.HCM từng chỉ ra. Ảnh: T.TÙNG
Giải pháp mà UBTVQH đề xuất là trong nghị quyết về lùi hiệu lực cũng nói rõ luôn là vẫn giữ nguyên thời hạn hiệu lực từ ngày 1-7 với các quy định có lợi cho người phạm tội. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 109 của QH về thi hành BLHS 2015 được ban hành cuối năm 2015 và giờ được sửa đổi để tiếp tục hiệu lực cho đến khi hoàn tất sửa chữa các sai sót trong BLHS. Nói cách khác, BLHS và các luật liên quan hiện hành sẽ tiếp tục có hiệu lực và song song là hiệu lực của các quy định tiến bộ, nhân văn trong BLHS 2015 được áp dụng.
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai sót của BLHS? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia pháp luật và cả những người trong cuộc.
17 công đoạn hình thành BLHS 2015
Qua quan sát thực tiễn quy trình làm luật ở nước ta, tôi tạm chia ra 17 công đoạn khi làm BLHS 2015 như sau:
1. QH chọn cơ quan soạn thảo dự luật (BLHS 2015 do Bộ Tư pháp soạn thảo);
2. Ban soạn thảo thành lập những tổ soạn thảo, các tổ này biên tập từng nội dung được giao;
3. Sau khi có đầy đủ dự thảo thì ban soạn thảo sẽ nghiệm thu;
4. Ban soạn thảo chủ trì việc lấy ý kiến các đoàn đại biểu QH và các ban ngành liên quan đến bộ luật;
5. Lấy ý kiến (có thể lấy nhiều lần và chú trọng vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau);
6. Ban soạn thảo họp để tiếp thu ý kiến của các nơi gửi về;
7. Ban soạn thảo chỉnh sửa dự thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến trình Chính phủ;
8. Chính phủ trình dự thảo cho QH;
9. QH giao dự án luật cho các ủy ban chuyên môn (BLHS thì giao cho Ủy ban Tư pháp) thẩm định dự án luật;
10. Sau khi thẩm định, Ủy ban Tư pháp đưa dự án luật để UBTVQH cho ý kiến (có thể cho ý kiến một lần hoặc nhiều lần);
11. Nếu thống nhất thì UBTVQH trình dự án luật ra QH;
12. QH thảo luận và cho ý kiến về dự án luật (nếu là đạo luật lớn thì QH có thể cho lấy ý kiến nhân dân);
13. Sau khi QH thảo luận, UBTVQH tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH;
14. UBTVQH trình lại cho QH;
15. QH thông qua tại kỳ họp (thông qua theo nguyên tắc: Từng điều một, một vài điều, một vấn đề và cuối cùng là thông qua toàn bộ);
16. Sau khi đại biểu bấm nút thì QH ban hành nghị quyết thi hành bộ luật;
17. Chủ tịch nước công bố BLHS 2015.
ĐINH VĂN QUẾ,nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
Thẩm phán VŨ PHI LONG,Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:
Chỉ nên lùi thời hạn những điều khoản có sai sót
Tôi thấy về tổng thể BLHS 2015 có rất nhiều điểm tối ưu. Vì vậy, ngoài phương án lùi hiệu lực thi hành cả BLHS, theo tôi vẫn có thể tính đến phương án thứ hai. Đó là chỉ lùi hiệu lực thi hành với những điều khoản có liên quan đến 95 điểm sai sót mà UBTVQH đã chỉ ra. Trong thời gian chờ QH sửa, nếu xảy ra tội phạm liên quan đến điều khoản ấy thì áp dụng luật hiện hành (tức BLHS 1999) để xử lý. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng Nghị quyết 109 của QH khi xử lý nếu điều khoản ấy có lợi cho bị can, bị cáo…
TS TRẦN ĐÌNH NHÃ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH:
Trách nhiệm không chỉ của đại biểu QH
Theo dõi quá trình soạn thảo, cho ý kiến, thông qua BLHS 2015, tôi thấy dự thảo mà ban soạn thảo bên Chính phủ trình sang không có nhiều sai sót như thế. Có lẽ khi sang QH, ý kiến của đại biểu nhiều quá, đa dạng quá, lại đòi hỏi cụ thể hóa ở mức độ cao hơn rất nhiều luật hiện hành, làm cho Ủy ban Tư pháp khi tiếp thu trở nên bị động, lúng túng. So sánh với luật hiện hành thì BLHS mới đồ sộ, chi tiết hơn rất nhiều. Nhưng càng chi tiết thì càng cần nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu. Bởi đó không phải là tập hợp từng điều luật độc lập, riêng rẽ, mà chúng có liên hệ chặt chẽ, logic với nhau.
Vì là một bộ luật lớn, lại mong muốn sửa đổi cơ bản, chi tiết đến mức gần như không cần hướng dẫn thi hành nữa nên trong thảo luận, một số đại biểu đã đề nghị QH kéo dài thời gian lên ba kỳ họp, thay vì quy trình hai kỳ họp thông thường. Nhưng có vẻ đa số vẫn muốn hoàn thành chương trình lập pháp cả khóa, thành ra “chuối chín ép”.
Quy trách nhiệm cho những sai sót này thế nào theo tôi rất khó. Thẳng thắn mà nói, đầu tiên là trách nhiệm của gần 500 đại biểu QH. Mỗi người khi bấm nút đã thực sự đọc hết dự thảo chưa, hiểu hết dự thảo chưa? Khi thấy có sai sót, tại sao không mạnh mẽ lên tiếng? Quy trình lập pháp luôn yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trao đổi, thống nhất với nhau, ý kiến khác thế nào cần rõ ràng. Vậy ở mỗi bước của dự thảo, các thành viên liên quan đã ký vào đó thì trách nhiệm thế nào?
Một đạo luật thông qua có sai sót thì trước hết là cộng đồng trách nhiệm của QH, của UBTV, là trách nhiệm của từng thành viên ban soạn thảo, của từng thành viên ủy ban thẩm tra và cả ủy ban gác cổng về kỹ thuật lập pháp. Xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm, phát hiện khiếm khuyết của quy trình lập pháp… là điều rồi sẽ phải làm. Nhưng trước mắt, có lẽ nên tập trung để sửa sai đã. Làm sao BLHS tới đây sửa chữa xong là áp dụng được ngay, không gây tranh cãi và có giá trị ít nhất 10 năm nữa không phải sửa đổi.
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Chất lượng làm luật có vấn đề
Qua việc này thấy chất lượng làm luật của chúng ta còn kém, không đáp ứng yêu cầu cuộc sống, lãng phí thời gian, tiền bạc. Nguyên nhân do kiến thức pháp luật của đại biểu QH còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, vì được cơ cấu nhiều thành phần khác nhau. Ít đại biểu chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều việc, chưa dành thời gian, tâm huyết tương xứng xây dựng pháp luật.
Mặt khác, cơ quan tham mưu, biên tập, chuẩn bị các dự án luật cũng còn thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều lỗi thuộc về kỹ thuật lập pháp giản đơn. Việc yêu cầu các đại biểu đã mãn nhiệm tiếp tục bỏ phiếu để lùi các dự án luật đã được Chủ tịch nước công bố cũng là một điều vô cùng hi hữu mà tôi chưa thấy có tiền lệ.
Đại biểu QH TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương:
Tiến độ căng nên khó tránh khỏi sai sót
Thảo luận ở QH, tôi đã cảm nhận dự thảo BLHS không ổn. Chính sách hình sự có đổi mới, khá tiến bộ nhưng kỹ thuật thể hiện ở từng khâu của quy trình lập pháp có vấn đề. Phương pháp biên tập thiếu khoa học, tiến độ lại căng quá trong khi nhiều nội dung rất chi tiết, cần nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra… Cho nên sai sót là khó tránh khỏi. Nhưng đã sai là phải sửa. Tôi bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết lùi hiệu lực các luật này để sửa BLHS.
Tân đại biểu QH khóa XIV NGUYỄN ĐỨC SÁU, Đoàn đại biểu QH TP.HCM:
Là bài học cho đại biểu Quốc hội
UBTVQH cũng đã thừa nhận những sai sót trong công tác xây dựng pháp luật dẫn đến không thể áp dụng ngay BLHS theo mốc có hiệu lực đã định. Có thể xem đây là bài học sâu sắc để đại biểu QH luôn luôn ghi nhớ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như tham gia bàn thảo, góp ý, phát ngôn, đưa ra quyết sách về các vấn đề thuộc thẩm quyền của QH.
Đăng nhận xét