“Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp” là tập hợp các bài viết về giáo sư qua hồi ức của thân hữu, học trò. Đó là những nén nhang lòng để tưởng nhớ cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam.
Ngày 26/6, kỷ niệm 1 năm ngày mất của Giáo sư Trần Văn Khê (24/6/2015-24/6/2016), Công ty Cổ phần Sách Thái Hà tổ chức chương trình giao lưu ra mắt ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM).
Đây là tác phẩm do Thái Hà Books liên kết với Nhà xuất bản Lao động xuất bản. Cuốn sách, với sự hợp tác tích cực của nhóm thân hữu Trần Văn Khê, là một tập hợp những bài viết về Giáo sư qua hồi ức của thân hữu và học trò.
Mỗi bài viết trong tập sách là một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tri ân cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ phụng sự âm nhạc dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.
Các tác giả của ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp. Ảnh: Lê Quân
Văn hóa – nghệ thuật là một dòng chảy bất tận. Một trong những nhân vật đã đóng góp nhiều tâm sức cho dòng chảy bất tận ấy của Việt Nam là GS-TS Trần Văn Khê.
Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp thể hiện rằng gần như cả cuộc đời, ông chỉ làm một công việc: mang văn hóa – nghệ thuật Việt Nam đã đến với bạn bè năm châu, để từ đó họ hiểu hơn, yêu hơn, cảm mến hơn một xứ sở Việt Nam, một tâm hồn và sức mạnh nội sinh của Việt Nam.
Một dân tộc đã trường tồn qua nhiều cuộc kháng chiến vệ quốc, dân tộc ấy không chỉ quả cảm trên chiến trường, chiến lũy, dân tộc ấy thẳm sâu và thấu cảm trong mạch nguồn văn hóa nội sinh.
Đi cùng và sống trọn vẹn với một trong những mạch nguồn văn hóa nội sinh của dân tộc là nghệ thuật truyền thống. Giáo sư Trần Văn Khê đã thấu cảm trọn vẹn và trao truyền không mệt mỏi cho lớp hậu sinh lý tưởng văn hóa mà ông cả đời theo đuổi.
Hơn nửa thế kỷ lập thân nơi đất khách quê người, giáo sư Trần Văn Khê tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.
Ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp. Ảnh: Lê Quân
Khi tích lũy đủ “vốn liếng”, giáo sư Trần Văn Khê bắt đầu bôn ba như con thoi đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu “sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam” như ông vẫn luôn khẳng định.
Hành trang ông mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á. Đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để âm nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên mọi diễn đàn.
Giáo sư Trần Quang Hải – con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê xúc động phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Lê Quân
Phát biểu tại buổi giao lưu, Giáo sư Trần Quang Hải xúc động cảm ơn các tác giả đã thực hiện cuốn sách. “Không phải chỉ có những người trong gia đình, những bạn hữu gần mà có nhiều bạn hữu xa, những học trò đi theo con đường của ba tôi để phát triển âm nhạc cổ truyền sau mà ông bỏ cả cuộc đời để phụng sự, phát huy”, con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ.
Ngoài ra, Giáo sư Hải cùng các tác giả cũng mong muốn nơi ở 10 năm cuối cuộc đời của cố giáo sư tại số 32, Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh trở thành một nhà lưu niệm về Giáo sư Trần Văn Khê.
Đăng nhận xét