Ảnh VGP/Hoàng Diên
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan của Đảng; lãnh đạo và phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan, đơn vị ở trung ương; lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố phía Bắc; thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, TTTT…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, tại Việt Nam, trong khi Chính phủ đang thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng quốc gia, sẽ gia tăng các cuộc tấn công có chủ ý sử dụng công cụ tin học, kỹ thuật thu tin mã thám vào các hệ thống mạng CNTT và viễn thông trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng liên lạc cơ yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, giả mạo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy.
Trong bối cảnh trên, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã, nghiên cứu, thiết kế chế tạo các sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu bảo mật an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số, giám sát an toàn thông tin và các giải pháp đảm bảo an ninh mạng.
Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Chính phủ điện tử là góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân, trong đó yêu cầu bảo mật và an toàn thông tin là yếu tố rất quan trọng, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ hiện đang chủ trương đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ông Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin như Luật An toàn thông tin mạng, các Nghị định hướng dẫn cùng các văn bản luật khác như Luật cơ yếu, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước... là hết sức cần thiết và là cơ sở để thực hiện thành công Chính phủ điện tử.
Với tham luận "Một số nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ trong triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và nhu cầu bảo mật và an toàn thông tin", ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, song song với công tác triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ luôn coi trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của Văn phòng Chính phủ.
"Văn phòng Chính phủ đang xây dựng lộ trình để áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp tục tăng cường sử dụng chữ ký số, các giải pháp mật mã chuyên dùng do Ban cơ yếu Chính phủ quản lý và cung cấp, hoàn thiện các quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng và bổ sung, tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên trách về an toàn, thông tin", ông Phúc chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, đại diện thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài chính, Tập đoàn Viettel trình bày các tham luận: Triển khai mô hình Chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại Đà Nẵng và nhu cầu bảo đảm an toàn thông tin; bảo đảm an toàn cho các dịch vụ công và hệ thống thông tin ngành Tài chính; Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông an toàn phục vụ triển khai Chính phủ điện tử.
Các đại biểu cũng tham gia tọa đàm, thảo luận về cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan; vai trò của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong bảo đảm an toàn thông tin để triển khai Chính phủ điện tử và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin.
Hoàng Diên
Đăng nhận xét