Mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3
Bao đời qua, cuộc sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn; đời sống vẫn sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên. No hay đói cái bụng, sung sướng hay khổ cực đều phụ thuộc cả vào thời tiết. Mùa màng, hoa trái thu nhận đều từ rừng núi ban tặng. Phương thức lao động chặt, đốt, chọc, tỉa để trồng lúa rẫy, bắp, đậu... là lối canh tác truyền thống chủ yếu.
Thế nhưng, từ khi có sự hiện diện của người chiến sĩ biên phòng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đã có cái ăn, cái để, đời sống kinh tế người dân bắt đầu trở nên khấm khá. Nhiều hủ tục lạc hậu như: Ma chay, người chết chôn chung, trẻ em chết theo mẹ, mê tín dị đoan... cũng được bà con loại bỏ dần.
Thay vào đó là nếp sống văn hóa mới, tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó.
Những đổi thay trong cuộc sống của người dân ở các vùng biên giới có được không phải trong ngày một ngày hai mà đó là cả quá trình vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự trực tiếp tham gia góp sức của cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Nói về kinh nghiệm giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, thiếu tá A Lăng Noan - Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Ga Ry (xã biên giới Ga Ry, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, có lẽ không quá khi nói rằng, kết quả đó có được là nhờ một phần quan trọng từ việc thực hiện tốt mô hình câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 mà Đồn biên phòng Ga Ry đã tích cực thực hiện có hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Dù đây là mô hình không có gì mới mẻ nhưng với đồng bào ở khu vực biên giới quanh năm bám nương rẫy và vẫn còn nặng tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” thì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, đồn biên phòng xem đây là mô hình có tính chiến lược nhằm thực hiện hiệu quả chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn vùng sâu biên giới này.
Chính trị viên Nguyễn Trí Tài – Đồn biên phòng Đăk pring – Đăk pree (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, ở địa bàn huyện biên giới Nam Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng (Ve, Tà Riềng, Dẻ) và Cà Tu sinh sống. Kinh tế thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm nương, rẫy; đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là trong vấn đề sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nặng hủ tục. Nắm bắt được tình hình trên địa bàn, tích cực thực hiên chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cán bộ chiến sĩ biên phòng Đăk pring – Đăk pree đã triển khai thực hiện mô hình CLB này trong nhiều năm qua.
Nhờ có mô hình này mà sự nhận thức về sinh đẻ của người dân thay đổi. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn đã giảm hẳn, cuộc sống người dân ngày càng ổn định, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
Giúp dân xây dựng cuộc sống văn hóa mới
Thiếu tá A Lăng Noan cho biết thêm, do bà con vẫn còn mang nặng tư tưởng cần nhiều lao động, nhất là lao động nam trong nhà để đi rừng, làm rẫy nên việc tuyên truyền để nhận thức của người dân thay đổi là điều rất khó. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Theo đó, mục tiêu triển khai của mô hình CLB không sinh con thứ 3 không chỉ vào từng gia đình, hộ dân, mà còn tập trung vào các cặp vợ chồng trẻ, thanh niên đang ở độ tuổi kết hôn để tuyên truyền vận động.
Nội dung mỗi buổi không chỉ lồng ghép về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình mà còn tổng hợp những hoạt động liên quan đến gia đình hạnh phúc, đời sống vợ chồng, phát triển sinh kế - xã hội. Hiện nay, để đảm bảo mô hình phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững, đồn biên phòng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng ký kết không sinh con thứ 3 gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong những lần đến với các đồn biên phòng theo dọc miền Tây Trường Sơn, ở đâu cũng vậy, chúng tôi đều cảm nhận được một điều, đồn biên phòng nào cũng là trung tâm chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục của địa bàn vùng đó. Có chuyện gì về an ninh, trật tự tại thôn bản thì bà con thông báo cho đồn. Bà con trong bản có người ốm đau, mắc bệnh thì cũng nhờ quân y đồn biên phòng khám chữa, cấp thuốc điều trị. Bà con thiếu ăn, đói chữ thì cũng nhờ đồn lo giúp…
Đến những chuyện ổn định làm ăn, ổn định cuộc sống, đến việc thực hiện công tác gia đình không sinh con thứ ba, bàn chuyện khơi lại nguồn nước sạch, biện pháp phối hợp với chính quyền và đồng bào dân tộc vùng biên giới trong việc bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn sự đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam – Lào… Tất cả những việc đó không có việc nào không gắn với lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Đáp lại, hễ khi gia đình, thôn, bản, làng có chuyện vui đều đến mời cán bộ, chiến sĩ đồn đến chung vui, chia sẻ. Chính những việc làm đó đã ngày càng tô thắm thêm nghĩa tình quân dân nơi vùng sâu biên giới.
Có đến nơi tận cùng biên giới Việt – Lào, trực tiếp chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp đỡ đồng bào dộc tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo mới thấy hết được tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ nơi vùng cao biên giới. Bởi nói như lời tâm sự của Trung tá Phan Văn Thí – Trưởng Đồn biên phòng Ra Ry, cùng với nhiệm vụ chính trị giữ vững, đảm bảo ổn định chủ quyền an ninh biên giới, những người lính biên phòng luôn xác định công tác dân vận, giúp địa phương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng.
Muốn giúp dân xóa đói, thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, thì phải xây dựng cuộc sống mới, văn hóa mới, thông qua công tác tuyên truyền xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất kinh tế, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống, sinh hoạt mới… Đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm gắn bó máu thịt giữa người lính biên phòng với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới.
Đăng nhận xét