Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Theo dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào 22/11, với thời gian làm việc khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ).
Theo dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật; xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 (trong đó có đề cập đến các giải pháp thực hiện 5 năm theo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020); quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015).
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; xem xét các Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn…
Theo dự kiến chương trình được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình trước Ủy ban Thường vụ QH hôm nay, Chính phủ sẽ có Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, trong một báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội. Các đại biểu sẽ kết hợp thảo luận vấn đề này khi thảo luận kinh tế-xã hội….
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu ý kiến.
Thảo luận về vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng đối với vấn đề Formosa, Chính phủ phải có báo cáo riêng, vì xã hội, cử tri rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường, có tiếp tục tiến hành dự án này hay không...
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, nhân dân cần nghe báo cáo không phải để trừng phạt hay làm gì mà để xem vấn đề đã được khắc phục thế nào, giải ngân tiền bồi thường của Formosa đến người dân bị thiệt hại có kịp thời không, có đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của người dân không...
Theo ông Nguyễn Đức Hải, với những vấn trên đến nay ngay cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa có thông tin, chưa hình dung được việc giải ngân bồi thường như thế nào và cũng là vấn đề mà trong các cuộc tiếp xúc cử tri chắc chắn được hỏi nhiều.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình thậm chí yêu cầu đây phải là một báo cáo chuyên đề chuyên sâu.
"Quốc hội phải nói rõ yêu cầu Chính phủ báo cáo gì, tránh để một Bộ gửi một báo cáo đóng dấu mật nhưng đọc rồi thì giống hệt thông tin đã đăng hết trên báo. Cứ như vậy dần dần các bộ ngành sẽ thấy báo cáo trước Quốc hội là việc rất đơn giản. Báo cáo phải rõ ràng vì sau đó các ĐBQH phải có ý kiến về báo cáo này", ông Bình nói.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, những báo cáo này đã đóng dấu mật lại còn thu hồi ngay sau cuộc họp nhưng không có thông tin gì mới thì ĐBQH sẽ thấy không tương xứng.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đã đóng dấu mật thì phải có những phân tích sâu sắc hơn, để đại biểu hiểu rõ vấn đề, có thể trả lời cử tri khi đi tiếp xúc.
Đồng tình với các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Báo cáo về Formosa phải là báo cáo riêng, đầy đủ thực chất những vấn đề mà ĐBQH cần phải biết với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Tuấn Minh
?
Đăng nhận xét