Đến 21 giờ 30 phút tối ngày 14-9, thi thể của anh Vi Đình Khoa (SN 1978) và anh Lương Văn Thoại (SN 1994), cùng ngụ bản Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mới được người thân và làng xóm đưa về tới nhà để lo hậu sự .
Chị Vi Thị Di - người may mắt thoát chết vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ lở núi
Hiện vẫn còn 5 người đều là phụ nữ bị đất đá vùi lấp trong vụ lở núi rạng sáng 14-9 chưa được tìm thấy gồm: Vi Thị Nội, Vi Thị Thay, Vi Thị Thong, Vi Thị Tin, Vi Thị Doan (cùng ở thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân).
Là một trong những người may mắnthoát chết trong trận sạt lở núi kinh hoàng, chị Vi Thị Di (SN 1978, ngụ thôn Chiềng Cà 2), vẫn chưa hết bàng hoàng. Người phụ nữ với thân mình nhỏ thó vẫn còn run run khi nhắc lại chuyện đã qua. “Trong lán của tôi lúc đó có 4 người gồm tôi, vợ chồng anh Vi Văn Ứ, Vi Thị Nội và anh Đông. Khi đất đá, cây cối và nước lũ ập đến chúng tôi chỉ nghe tiếng ầm ầm rồi tất cả bị cuốn phăng. Lúc này, anh Ứ đã nhanh tay kéo chúng tôi ra ngoài. Tuy nhiên, vợ anh ấy là chị Nội bị mắc kẹt không kéo ra được, đang loay hoay cứu chị Nội thì một đợt sạt lở tiếp theo đã cuốn mất chị ấy” - Chị Di đau xót kể.
Cũng theo chị Di, lúc xảy ra sạt lở, có 2 lán ở gần lán của chị bị vùi lấp và bị nước cuốn xuống suối, trong đó có 1 lán có 6 người đều bị cuốn mất tích, lán có 3 người đã may mắn thoát ra ngoài. “Lúc đó trong rừng đang có mưa rất to, trời lại tối đen nên chẳng ai kịp trở tay. Chúng tôi 3 người thoát chết chỉ biết ôm nhau chờ trời sáng để cứu những người còn lại nhưng chỉ thấy có anh Khoa và cháu Thoại nhưng cả 2 đã chết” - chị Di cho biết.
4 con gái của anh Vi Đình Khoa bỗng chốc mồ côi cha và nhiều khả năng sẽ mất luôn người mẹ đang mất tích Vi Thị Thong
Anh Lục Văn Xuyến (cũng ngụ thôn Chiềng Cà 2) cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở anh đang ở lán trại cùng 2 người nữa, nhưng anh chưa ngủ vì bận đốt lò để sấy măng thì thấy nước trên đồi tràn vào lò. Thấy nước ngày một lớn và có tiềng ầm ầm trên núi đổ xuống, anh vội gọi 2 người đang ngủ rồi kéo ra ngoài tìm chổ nấp thì đúng lúc đất đá đổ ập xuống lán. “Lúc đó, nghe tiếng đất đá, cây cối lăn ầm ầm, tôi cứ tưởng động đất. Nếu tối hôm qua tôi không thức sấy măng thì giờ không biết sống chết thế nào” - anh Xuyến nói.
Ông Lương Văn Loan (có con trai chết và vợ đang đang mất tích), cho biết sau khi nhận được thông tin, ông tức tốc chạy lên hiện trường thì thấy anh Thoại (con trai ông) đã tắt thở, chân tay bị gãy hết. Còn anh Khoa (em họ bên vợ) được bà con lôi ra từ đống bùn đất nhưng cũng đã chết. “Vợ tôi giờ không biết trôi về đâu sống chết thế nào, còn thằng Thoại nó mới học xong đã vợ con gì đâu” - ông Loan đau đớn.
Đến tối mịt ngày 14-9, người dân thôn Chiềng Cà 2 vẫn đứng ngồi không yên, dù thi thể của 2 người dân đã đưa về đến nhà để lo hậu sự. Trong một vài ngôi nhà, nhiều tiếng khóc đau đớn của những người phụ nữ mất chồng, mất con, những cháu nhỏ mất cha, mất mẹ vang vọng cả núi rừng. Do số người chết không biết là bao nhiêu nên rất nhiều cỗ quan tài đã được huy động về thôn Chiềng Cà 2 để chuẩn bị lo nơi yên nghỉ cho người xấu số.
Người dân thôn Chiềng Cà 2 bàng hoàng, đau đớn trước tại họa ấp xuống đầu anh em, người thân chòm xóm của họ
Trong đêm ngày 14-9, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có mặt tại hiện trường để thăm hỏi động viên những người gặp nạn và chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với phía chính quyền Nghệ An tích cực tìm kiếm những người mất tích . “Dù cơ hội sống sót không còn nhưng cũng phải tích cực tìm kiếm. Điểm sạt lở ở Nghệ An, nhưng người gặp nạn toàn là bà con của mình nên không được lơ là chủ quan” - ông Quyền chỉ đạo.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa bước đầu hỗ trợ những người tử vong 5 triệu đồng, những người bị thương 1 triệu đồng; UBND huyện Như Xuân hỗ trợ mỗi người tử vong 7 triệu đồng.
Trong sáng ngày 15-9, gần 100 người gồm lực lượng cứu hộ, chính quyền địa phương đã quay lại điểm sạt lở để tìm kiếm những người mất tích.
Bài-ảnh: Tuấn Minh
Đăng nhận xét