Ads (728x90)

“Có luật được thiết kế bởi ba chuyên viên nhưng vẫn qua được hết các quy trình” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

“Chúng ta không tránh né nữa, Quốc hội (QH) cần phải biết những vấn đề ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như thế tại buổi lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ (TV) QH về nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20-10.

Phai thang than truoc sinh menh dat nuoc - Anh 1

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp ngày 15-9 của UBTVQH. Ảnh: QH

Phải báo cáo Quốc hội về Formosa, biển Đông

Các đại biểu (ĐB) đã đề nghị Chính phủ phải có báo cáo về vụ Formosa và tình hình biển Đông để QH nắm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay ủy ban này đã có kiến nghị với Chính phủ, TVQH, QH về Formosa sau khi giám sát. Theo đó, ủy ban này đề nghị Formosa phải hoạt động đúng quy trình, nếu không sẽ không cho tiếp tục hoạt động nữa.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ nên có báo cáo riêng về Formosa tại kỳ họp 2 vì “đây là vấn đề dư luận và cử tri rất quan tâm”. Trong đó cần tập trung việc khắc phục sự cố môi trường như thế nào.

Ngoài ra, ông Chiến cho rằng QH cần phải được nghe, nắm bắt về tình hình biển Đông. “Có những vấn đề QH cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó. Vấn đề là ĐB và dân cần phải biết. Cứ nói nhạy cảm, phức tạp mà không đưa ra QH là tự hạ thấp vị thế của QH” - ông Chiến nhấn mạnh.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng: “Đến nay, TVQH vẫn chưa hình dung tiền bồi thường của Formosa sẽ được sử dụng thế nào. Dân hỏi thì lại lúng túng. Chính phủ nên báo cáo công khai càng sớm càng tốt”.

Kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí sự cố môi trường Formosa phải có báo cáo riêng, đầy đủ về các vấn đề mà QH cần phải biết. “Biển Đông cũng cần có báo cáo riêng sau phán quyết của Tòa Trọng tài, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta. Chúng ta không tránh né nữa, QH cần phải biết những vấn đề ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước” - bà Ngân nói.

Có xu hướng “thích sửa luật”

Liên quan đến chất lượng xây dựng các dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga cho rằng còn rất nhiều vấn đề tồn tại.

Bà Nga cho rằng việc quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng của các dự án luật, tránh tình trạng “luật vừa thông qua đã phải sửa”. Theo bà Nga, thời gian qua có xu hướng phải hoàn thiện các luật theo Hiến pháp mới. Ngoài ra còn có xu hướng luật thiếu ổn định và xu hướng thích sửa luật, vừa thông qua đã sửa. Xu hướng này tồn tại ở nhiều bộ, ngành. Vì thế chất lượng ngay từ đầu đã có vấn đề.

Theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần đánh giá, tính lại quy trình làm luật hiện nay để nâng trách nhiệm của cơ quan thực hiện hay đánh giá tác động.

“Tôi quan sát thấy có bộ lần nào trình ra TVQH cũng thấy thứ trưởng đi trình, thậm chí vụ trưởng giải trình chứ không phải là bộ trưởng. Cần phải yêu cầu bộ trưởng giải trình, tranh luận ngay từ đầu” - bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cho hay trước đây bộ trưởng phải đứng ra giải trình cho đến khi thông qua được mới thôi. “Nếu Chính phủ là người trình thì người đứng đầu phải giải trình, tiếp thu ý kiến và tranh luận với ĐBQH xong mới thảo luận tổ” - bà Nga nói.

Phải xây dựng tiêu chuẩn sử dụng trụ sở, nhà công vụ, xe công

Chiều 15-9, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Các ý kiến tại TVQH đề nghị dự luật phải quy định chặt chẽ tiêu chuẩn sử dụng xe công, trụ sở làm việc để tránh tình trạng sử dụng không đúng tiêu chuẩn, lãng phí như hiện nay.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng nhiều chính sách, quy định đã có nhưng hiện vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công. “Việc khoán xe công vẫn chưa chuyển đổi mạnh mẽ” - bà Nga nói. Đồng thời, bà Nga cũng đề nghị giải trình rõ hơn, sử dụng nhà công vụ và xe công vừa rồi vướng gì mà dù đã đưa nhiều chính sách nhưng không thực hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cũng tán thành phải quy định cụ thể tiêu chuẩn sử dụng xe công, nhà công vụ, trụ sở làm việc... “Ông lãnh đạo đi xe cũ, trong khi đó một tổng giám đốc lại đi xe hoành tráng, điều này là vô lý” - ông Việt nói.

Tiêu điểm

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp 2 là khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ), khai mạc vào ngày 20-10.

TRỌNG PHÚ

loading...

Đăng nhận xét