Gặp bà Đinh Thị Hường (56 tuổi) và chồng là Nguyễn Bình Minh (66 tuổi), tại một Hội thảo về Nam học và Hiếm muộn, rất nhiều người có chung suy nghĩ: “Hai ông bà đang dắt cháu đi chơi”.
Suy nghĩ trên chẳng phải lạ khi nhìn vào cách bồng bế, chăm bẵm hai thiên thần nhỏ từ miếng nước, từ cử chỉ lau giọt mồ hôi. Tuy nhiên, khi được giới thiệu tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì hai “thiên thần” mới lên 3 kia là con ruột của bà Hường và ông Minh.
Vậy là tất cả mọi câu chuyện đều đổ dồn vào gia đình nhỏ với 4 thành viên đặc biệt ấy. Và càng nghe câu chuyện của họ, mọi người càng thấy cảm động, thậm chí có người nghe xong, nước mắt đã rơi vì hạnh phúc, vì xúc động thay cho những quyết tâm, những nghị lực của cả bác trai và bác gái.
“Tôi trước là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tôi lập gia đình muộn lắm, mãi năm 46 tuổi, nhờ sự giới thiệu và mai mối của bạn bè tôi mới quen và sau đó là kết hôn với ông nhà tôi”, bà Hường mở đầu câu chuyện.
Vợ chồng ông Minh, bà Hường và hai "công chúa" nhỏ Kim Ngân - Tố Nga.
Bà Hường cho biết, khi được giới thiệu, bà biết ông Minh đã có 1 đời vợ và đang cảnh “gà trống nuôi con”. Bà cũng cảm phục tấm lòng của người đàn ông đó, vì thế bà đã nhận lời.
“Lấy nhau được mấy năm, chúng tôi nghĩ cũng nên có đứa con để cho vui cửa, vui nhà và như vậy mới là hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng dù không dùng biện pháp tránh thai nào, mà sau một thời gian vẫn không có thai.
Có sự hoài nghi, hai vợ chồng quyết định đi khám hiếm muộn và phát hiện ra tôi bị u xơ tử cung, bác sĩ cũng khuyên cần phải điều trị ngay”, bà Hường nhớ lại.
Trớ trêu thay, sau một thời gian điều trị bệnh u xơ xong, bà Hường vẫn không có con và cả hai cảm thấy sốt ruột, vì tuổi càng cao, cơ hội càng thấp. Bà Hường chia sẻ: “Khi đi chạy chữa mọi nơi, gặp những người hiểu mình thì họ còn động viên, những người không hiểu thì lại có những lời đàm tếu, thậm chí có người còn nhầm tưởng đi chạy chữa cho con cái trong nhà”.
Tưởng chừng với những khó khăn như vậy sẽ khiến hai vợ chồng bà Hường chùn bước nhưng khát khao có một đứa con chung họ quyết định đến với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, khi bà Hường đã 53 tuổi và ông Minh là 63 tuổi.
Thụ tinh trong ống nghiệm, cứu cánh của nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
“Khi đó, thấy bác Hường tuổi đã cao, lại từng mắc u xơ, chúng tôi cũng đắn đo, nhưng thấy tinh thần và sự quyết tâm của bác, chúng tôi đã động viên, tư vấn và thực hiện, kết quả cuối cùng cũng đã công”, BS Lê Thị Hiền – PGĐ Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội, đồng thời là người trực tiếp thực hiện cho bà Hường chia sẻ.
Ngay sau lần đầu kích trứng bà Hường được 4 phôi, bơm cả 4 phôi đã đậu được 2 phôi.
"Khi biết mình đậu thai, cảm giác tôi mừng lo lẫn lộn, mừng vì đã thành công sau nhiều năm hy vọng, lo vì tuổi cao không biết có vấn đề gì không”, bà Hường nhớ lại.
Người phụ nữ làm mẹ ở tuổi 53 này cũng tự nhận rằng bản thân mình cũng “liều” khi quyết định có con ở tuổi đó. “Tôi suy nghĩ phải để tâm lý thoải mái nhất, trời đã cho chắc cũng chẳng phụ lòng, thế là sau hai ngày thụ tinh tôi đi làm bình thường cho đến khi sinh”.
“Ngày tôi đi đẻ (ngày 20/11), tậm trạng hồi hộp lo lắng lắm, khi lên bàn mổ, chỉ trong tích tắc nghe tiếng khóc của con, tôi đã khóc vì hạnh phúc”, bà Hường nhớ lại. Được biết, bé Kim Ngân và Tố Nga khi chào đời có cân nặng là 3kg và 2,7kg.
Nói về cuộc sống hiện tại, cả ông Minh và bà Hường đều kể trong hạnh phúc: “Đấy các anh xem, các cháu nghịch lắm, nhưng được cái chúng tôi đều đã về hưu nên thời gian dành cho các con nhiều hơn. Phải nói thật là không có các cháu tôi buồn lắm…”.
Lê Phương
Đăng nhận xét