>> Vỡ ống thủy điện Sông Bung 2: Mất liên lạc nhiều người
Chiều 13/9, ông A rất Bui cùng 2 người khác về nấu cơm ở lán trại bên bờ sông Bung chờ mọi người về ăn tối. Nhóm của họ có tất cả 18 người, gồm 11 người xã La Êê, 7 người ChaVal.
Họ đi trồng rừng thay thế theo dự án thủy điện sông Bung 2. Tưởng bình yên như mọi ngày, ai ngờ đó là buổi tối kinh hoàng.
Ông A rất Bui cùng vợ may mắn thoát chết bên bờ sông Bung.
“Khoảng 18h kém 10’ sau khi nấu ăn, tôi đi mài rựa bên bờ sông. Bỗng nhiên nước sông chuyển động. Ngước nhìn lên, tôi kinh hãi thấy dòng nước như trên trời đổ xuống, cao hơn chục mét lao ầm ầm xuống. Tôi vứt cả rựa chạy lên lán hô mọi người”, ông A rất Bui kể.
Lán nằm cạnh bên bờ sông, lúc này mọi người đã về đủ. Ông Bui hét khản giọng để mọi người biết mà chạy.
“Mấy người tiếc của còn định mang theo đồ. Vợ tôi lao vào lán để lấy gùi gạo, dao rựa. Tôi kéo đi. Chạy mau không chết hết! Chúng tôi vừa lao ra, chiếc lán đã bị cuốn phăng. Tôi kéo vợ chạy thục mạng lên đồi, nước lũ chảy xiết cuộn sau bàn chân”, ông Bui nhấp ly rượu tà vạt của người Cơ Tu, kể tiếp.
Vợ chồng nghèo chạy thục mạng lên đồi, lạc cả người thân. Khi biết đã thoát được nước lũ, họ mới dừng lại. Suốt đêm, những người lạc nhau đốt lửa, dùng tiếng hú để liên lạc.
Cùng thoát chết trong buổi chiều kinh hoàng còn có Brao Thiên (SN 1978, xã ChaVal). Cùng đi với nhóm người trồng rừng, chiều đó Thiên cùng 2 người khác ra sông thả lưới bắt cá cải thiện.
Brao Thiên (bên phải) đang thả lưới trên sông thì gặp nước lũ kinh hoàng.
“Chúng tôi thất thần khi thấy nước sông chuyển động, rồi dòng nước lũ cao hơn cả nóc nhà đang đổ xuống ầm ầm. 3 anh em vứt cả lưới để thoát thân. Tôi may mắn túm lấy dây rừng leo lên bờ rồi bỏ chạy”, Thiên kể.
Không dám để bố mẹ đi rừng nữa
Nhấp ly tà vạt, A rất Dương (con trai cả ông Bui) kể lại phút nghẹn ngào nhìn thấy bố mẹ còn sống bên bờ sông Bung.
“Đêm 13, em rụng rời khi biết tin. Bà nội em già cả nằm khóc đến kiệt sức. Em định bụng chạy đi tìm bố mẹ nhưng cả thôn làng can ngăn, không cho đi vì nước lũ xiết quá. Suốt đêm em không thể chợp mắt, nghĩ đến bố mẹ là nước mắt trào ra”, Dương nghẹn giọng.
Tờ mờ sáng, Dương cùng người làng đổ đi tìm những người mất tích. Khoảng 7h sáng, từ trên đỉnh núi, nhóm đi tìm thấy có nhiều người đứng kêu cứu bên bờ sông bên kia.
“Mọi người làm ghe vượt sông. Từ đằng xa, em không nhìn ra có phải bố mẹ không, nhưng vẫn hi vọng. Khi đến gần, em thấy bố ngồi kiệt sức trên bờ, mẹ cũng không nói rõ tiếng nữa, em vui mừng mà chảy cả nước mắt”, A rất Dương sụt sùi.
Cả thôn La Bơ B đổ ra đường đón những người thoát chết trở về. Từ xế trưa, tiệc rượu của những người nghèo, gồm tà vạt cùng rau rừng kéo dài đến tối để mừng niềm vui thoát đại nạn.
Tiệc rượu của những người nghèo mừng thoát chết trở về.
A rất Bui cho biết, vợ chồng ông cùng đoàn vào rừng được 7 ngày thì gặp nạn. Mỗi ngày một người lĩnh 200 ngàn tiền công. Họ gùi thêm gạo, muối và ít thực phẩm; lúc nào hết thức ăn thì về. Thường mỗi chuyến đi từ 7 đến 10 ngày.
“Chưa bao giờ tôi gặp con lũ cao và xiết khủng khiếp như thế, giờ nhớ lại còn rụng rời!”, ông Bui lắc đầu.
Giải cứu những người gặp nạn giữa dòng nước xiết
Con trai ông Bui, A rất Dương cho rằng, trong đêm xảy ra sự việc, Dương chỉ còn một vài phần trăm hi vọng bố mẹ còn sống. Nước lũ kinh hoàng, lán lại sát bờ sông nên chỉ may mắn thần kỳ mới thoát chết.
“Chắc em không dám để bố mẹ đi rừng làm kiểu này nữa. Nhà nghèo nhưng bố con chắc sẽ tìm việc khác để kiếm sông thôi”, Dương chia sẻ.
Cao Thái
Đăng nhận xét