Chuyện tuổi già được triển lãm vào cuối tháng 9 này tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Buổi sáng ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi bách niên Thiên Đức - nơi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chọn lựa để tìm kiếm câu chuyện, hình ảnh cho triển lãm Chuyện tuổi già khá bình lặng. Hành lang chỉ có một vài người già ngồi buôn chuyện với nhau, ai cũng có những khoảng riêng cho mình.
Lựa chọn
Khi chúng tôi đến phòng, ông Bùi Thế Năng (81 tuổi) đang sôi nổi trò chuyện với một cụ bà. Cô cán bộ của trung tâm ý nhị nháy mắt nói: “Tri kỷ của ông Năng đấy”. Ông Năng khi nói về người tri kỷ của mình cũng không ngần ngại cho hay: “Bà ấy kém tôi 7-8 tuổi gì đó, chúng tôi am hiểu tình cảm của nhau nên thường xuyên đến thăm, trò chuyện với nhau”.
Cùng phòng ông Năng còn có hai người nữa, các cụ đều là những cư dân của thủ đô, đều có con cháu đề huề nhưng đã tự nguyện đến với trung tâm. Có cụ còn phải nài nỉ xin con cái mãi mới được.
Bà Lê Bích Châu (84 tuổi) ở riêng một mình trong một căn phòng, bà vốn là người yêu thơ văn nên muốn có không gian riêng để sáng tác. “Được cái riêng tư nhưng mà thỉnh thoảng cũng thấy buồn buồn đấy” - bà trần tình với chúng tôi.
Sinh hạ được ba con trai nhưng mỗi đứa một phương. Hai vợ chồng con lớn thì đang ở Ba Lan, các con còn lại bận bịu với công tác. “Chúng nó bận lắm, việc nhà nước, việc nhà… Thế là tôi xin chúng nó lên đây. Ở đây dù sao mình cũng không vướng bận con cái, thế mà tôi xin mãi chúng nó mới cho đi đấy” - bà Châu bày tỏ.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm, cũng quả quyết: “Hầu hết các cụ đến đây là do nguyện vọng cá nhân, phần vì cũng không muốn phiền hà con cái chăm sóc, hơn nữa bệnh tật đột xuất thì điều kiện chăm sóc cũng tốt hơn”.
Bà Lê Bích Châu trong căn phòng riêng của mình tại trung tâm, trong phòng có cả bàn thờ chồng. Ảnh: VIẾT THỊNH
Rào cản định kiến
Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi bách niên Thiên Đức được thành lập vào tháng 4-2011 nhưng ở giai đoạn này trung tâm gặp không ít khó khăn để thu hút người già vào với trung tâm, lý do duy nhất đó chính là định kiến xã hội.
“Lúc đó ở Việt Nam rất ít người đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão vì cho rằng như thế là bất hiếu, có thời điểm thậm chí tôi gần như muốn bỏ cuộc” - ông Ngọc cho hay.
Định kiến đó đến nay vẫn còn phổ biến, tuy nhiên những người lựa chọn đến với trung tâm lại có một suy nghĩ riêng. Ông Năng vừa đập đập lên chiếc khung tập đi trước mặt mình vừa giải thích: “Tôi giờ không tự đi lại được, phải vịn vào cái này, mà ở nhà thì chật quá không đi được. Lên đây đẩy đi thoải mái, có bầu bạn để chia sẻ suy nghĩ, tâm sự tuổi già. Với lại mình già yếu thế này con cái nó chăm sóc cũng vất vả. Vừa đi làm lại phải chăm sóc bố nữa thì sức đâu mà lo”.
Cũng như vậy, bà Châu trần tình suốt mấy năm ở với con cái bà không phiền lòng một điều gì hết. Tuy nhiên, khi con cái đi làm thì bà phải ở nhà với người giúp việc, lúc ốm đau bất chợt cũng không biết đường nào mà lần.
“Tôi có sổ tiết kiệm để tự lo cho mình lúc về già, chi phí ở đây một tháng hơn 11 triệu đồng tôi cũng lấy từ sổ tiết kiệm ra để trả. Con tôi nó bảo khi nào hết tiền trong sổ thì bọn con sẽ lo nhưng tôi thì chỉ hy vọng đến khi tiền trong sổ hết đi thì mình cũng nhắm mắt xuôi tay rồi, đỡ phiền con cháu”.
Trò chuyện với chúng tôi, những ông bố, bà mẹ ở trung tâm đều một mực khẳng định bảo vệ sự lựa chọn của mình, tuy nhiên đằng sau những lời quả quyết vẫn còn thăm thẳm những nỗi buồn nhớ nhung con cháu. Đang trò chuyện với tôi, bà Châu bất chợt nhìn sang túi quà của con vừa đến thăm tháng trước, buông lời: “Tháng này chưa thấy chúng nó đến nhỉ. Cũng nhớ!”, rồi bà lẳng lặng quay đi...
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Cuộc hội ngộ giữa NSND Trần Phương và Tuệ Minh. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)
Không chỉ là nơi an dưỡng tuổi già, viện dưỡng lão còn là nơi chứng kiến những cuộc hội ngộ bất ngờ. NSND Trần Phương là một trong những nhân chứng của một cuộc gặp như thế. Tại trung tâm, ông đã gặp được người phụ nữ có tên là Tuệ Minh. “Chúng tôi đã mất liên lạc với nhau từ lâu lắm rồi, tưởng không còn được gặp nhau nữa, ai ngờ… Giờ bà ấy bị đột quỵ không nói được nhưng vẫn hiểu những gì tôi nói. Tôi nghĩ chẳng còn sống được bao lâu nữa, gặp nhau như thế này thật là may mắn. Một thời tuổi trẻ đã đi qua, nhớ lắm chứ… Tôi sẽ sống bằng những ký ức trong đầu và kỷ niệm trong tim”.
_______________________________________
Triển lãm Chuyện tuổi già do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Bằng phương pháp tiếp cận nhân học và photovoice (trao máy ảnh cho nhân vật), những câu chuyện đời thực về cuộc sống của người cao tuổi được thể hiện qua ba chủ đề: Ước mơ, Tâm sự tuổi già, Nơi cuộc sống mới bắt đầu. Hãy rút ngắn khoảng cách thế hệ và hãy yêu thương, trân trọng người già - đó là thông điệp mà triển lãm muốn hướng đến.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm, nói: “Tôi rất ấn tượng với bức ảnh một cụ chụp hai con thiên nga với câu chuyện con thiên nga nó còn có cặp có đôi, đằng này mình chỉ có một mình. Triển lãm có nhiều bức ảnh, nhiều chủ đề và câu chuyện nhưng tôi thấy ở đó nhiều ước mơ, ước mơ của những người già qua cuộc triển lãm”.
Đăng nhận xét