Cả nhà làm nghề xe ôm
Cách đây khoảng 25 năm, sau nhiều năm tháng đi buôn chẳng mấy lãi lời, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở phố 8-3, phường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tích cóp mãi mới mua được chiếc xe máy. Thường thì công việc này dành cho những đấng mày râu như chồng chị, nhưng vì thu nhập của một mình anh cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống của 4 nhân khẩu trong gia đình nên chị Tuyết chấp nhận vất vả, lăn lộn” với nghề” cho đến tận bây giờ.
Lớn lên, con gái chị cũng lựa chọn nghề xe ôm thay vì theo đuổi một ngành nghề nào đó. Ban đầu, vợ chồng chị cũng ngăn cản, xong thấy con gái quyết tâm nên đành phải đồng ý. Hình ảnh cả nhà chị Tuyết kéo nhau ra đầu phố 8-3 chờ khách vào buổi sáng sớm đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Có hôm, hai mẹ con chưa kịp ăn gì, khách gọi là phải chở khách đi.
Chị Tuyết chia sẻ, là phụ nữ mà trụ được với nghề là phải có một sự quyết tâm, kiên định rất mãnh liệt bởi những khó khăn và nguy hiểm lúc nào cũng rình rập bên cạnh. Để tránh bị “bắt nạt”, hai mẹ con chị thường ăn mặc theo phong cách đàn ông, cắt tóc tém và luyện cho tác phong làm việc nhanh nhẹn y như nam giới. Có nhiều khách đi xe còn nhầm tưởng mẹ con chị là những anh xe ôm chính hiệu.
K.A (27 tuổi) - con gái chị Tuyết chia sẻ, em thường ăn mặc giống đàn ông để tránh bị khách trêu chọc, cũng là tránh để vợ hay bạn gái (nếu khách là nam giới) “gây chuyện ghen tuông”. Thời gian mới vào nghề, K.A cũng thấy ngại vì bạn bè đi học còn mình thì lại làm công việc vốn của đàn ông, nhưng sau thấy đây là công việc lương thiện, lại không gò bó thời gian nên cô cảm thấy lạc quan hơn. Tính đến nay, cô đã có thâm niên gần chục năm trong nghề.
Trang bị cho mình khá nhiều kinh nghiệm để tránh những “tai bay vạ gió” nhưng cả hai mẹ con chị Tuyết đều không tránh được những tình huống “dở khóc dở cười”. Chị Tuyết kể, phụ nữ làm nghề xe ôm, gặp phải những vị khách “ghê gớm” thì chuyện bị đe dọa, trấn lột và bùng tiền xảy ra là điều bình thường và nhiều hơn so với xe ôm nam giới. Nhiều khi chở khách đi xa hoặc qua những nơi hẻo lánh, chị Tuyết không khỏi lo lắng nên thường trò chuyện với khách bằng những câu chuyện thường ngày. Sau khi khách trả tiền xong xuôi, chị nhanh chóng lên xe, đi đến đoạn dân cư đông đúc mới thở phào nhẹ nhõm. “Thấy hoàn cảnh khó khăn của mình, khách sẽ bớt nảy lòng tham mà làm chuyện xấu”, chị Tuyết tâm sự. Làm nghề lâu năm nên mẹ con chị Tuyết cũng rút ra nhiều bài học, cần phải “trông mặt mà bắt hình dong” trước khi nhận lời chở khách. Nhìn khách nào táo tợn quá thì hai mẹ con sẽ từ chối khéo.
Nhưng số lần bị khách “quỵt tiền” của chị Tuyết cũng không phải ít. Có lần chị chở người phụ nữ có vẻ ngoài hiền lành, trạc tuổi mình về khu Linh Đàm. Đến đoạn vắng vẻ, khách bảo chị dừng xe chờ khách vào lấy tiền mang ra trả. Nhưng chờ một lúc lâu vẫn thấy khách mất hút. Chị Tuyết hỏi người dân thì họ bảo trong khu đó rất hoang vắng, có khi chị may vì không vào chỗ đó. Chị Tuyết đành buồn bã ra về nhưng tự động viên mình rằng, thôi thì “của đi thay người”. Còn với những trường hợp khách cố ý định quỵt tiền ở chỗ đông người, chị Tuyết đành phải dùng đến bài hô hoán người dân để được bênh vực. Khách không muốn xấu mặt thì chỉ còn cách “xì tiền”.
Một khó khăn, nguy hiểm nữa của những người phụ nữ làm nghề xe ôm là bị khách nam “trêu ghẹo”. Hai mẹ con chị Tuyết gặp phải không ít khách mất lịch sự, thậm chí buông lời rủ rê “đi nhà nghỉ”. Chị Tuyết bảo tính mình nóng nảy nên gặp những trường hợp đó mình xuống xe, đòi tiền ngay. Nếu khách xin lỗi chị mới chở đi tiếp. Còn với K.A, cô sẽ nói lịch sự với khách để khách thôi những hành động sàm sỡ. Nếu khách còn tiếp tục, cô xuống xe, mặc cho khách cuốc bộ. Khách có muốn ăn quỵt tiền thì cô cũng cho luôn, coi như mình từ thiện cho họ.
Theo chị Tuyết: “Nghề nào cũng cần tình yêu với nghề...”. Ảnh: H.Giang
Sợ nhất là gặp khách “nghiện”
Gắn bó với nghề đã lâu nên bao nhiêu lo sợ, nhọc nhằn chị Tuyết đều trải qua hết. Chia sẻ về nỗi sợ nhất của nghề, chị bảo, xe ôm sợ nhất là khi gặp phải khách nghiện, sẵn sàng trấn lột để cướp xe, lấy tiền mua thuốc. Chị cũng gặp phải nhiều trường hợp kháchTheo chị Tuyết: “Nghề nào cũng cần tình yêu với nghề...”. Ảnh: H.Giang là con nghiện. Đi giữa đường, chị phát hiện ra thì nhất quyết từ chối không chở tiếp và đến địa chỉ CQCA nơi gần nhất khai báo.
Chị N, 45 tuổi, ở quận Long Biên, làm nghề xe ôm được ngót nghét 20 năm cho biết, khu chị ở có rất nhiều công trình đang xây dựng nên rất nhiều thợ xây tứ xứ về đây làm việc, trong số đó có không ít người bị nghiện. Cách đây khá lâu, chị chở một đôi nam nữ về khu công nghiệp Ha nel, phường Sài Đồng, quận Long Biên, khi gần đến nơi, thấy nam thanh niên bất ngờ gọi điện cho bạn hỏi: “Mày đã mua hàng chưa”, khiến chị bủn rủn hết tay chân. Đến nơi vắng vẻ, khách bảo chị dừng lại. Chưa kịp chờ khách trả tiền, chị nhanh chóng quay đầu xe phóng thẳng, không dám quay đầu lại. “Mình thấy nam thanh niên hỏi bạn “mua hàng” chưa cứ nghĩ họ mua đồ để giết người cướp xe bởi xe mình mới mua thời điểm đó rất giá trị. Mình nghe xong mà lòng dạ rối bời, hoảng sợ, không biết xử lý ra sao. Khi ấy chỉ chớp thời điểm khách xuống xe là “chuồn thẳng”.
Tuy công việc làm xe ôm có vất vả, nguy hiểm nhưng đổi lại, thu nhập của nghề xe ôm hiện nay tương đối khá. Mỗi ngày trừ tiền xăng xe, ăn uống, hai mẹ con chị Tuyết để ra được khoảng 200 nghìn đồng. Ngày nào đông khách, thu nhập còn gấp đôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ngày ế khách, đặc biệt là trời mưa gió, khách đi taxi nhiều hơn xe ôm. Hiện tại kinh tế đã ổn nên mẹ con chị Tuyết chỉ làm việc đến sẩm tối rồi về nhà cơm nước, nghỉ ngơi. Ngoài K.A, chị Tuyết còn có một cậu con trai đang tuổi đi học nên cần được bố mẹ quan tâm. Chị Tuyết chia sẻ: “Con gái mình đã chịu nhiều vất vả rồi nên mình muốn con trai được ăn học đàng hoàng. Công việc có vất vả, khó khăn nhưng nhìn thấy các con mạnh khỏe là mình yên tâm. Không gì bằng không khí đầm ấm của gia đình được sum vầy bên mâm cơm tối nên sau ngày dài vất vả, ai nấy đều nhanh chóng về nhà”.
Làm nghề nào cũng cần tình yêu với nghề mới có thể trụ vững lâu dài. Bên cạnh những chuyện không hay, những người phụ nữ làm nghề xe ôm như mẹ con chị Tuyết cũng trải qua nhiều kỷ niệm sâu sắc với nghề. Từ đó, sự gắn bó với nghề xe ôm cũng tăng dần theo năm tháng. Những vị khách vui tính, những câu chuyện tâm tình của người xe ôm và khách đi đường đã trở thành những ký ức đẹp, giúp họ trân trọng công việc của mình hơn. “Ai cũng muốn có được công việc an nhàn, được người khác coi trọng, nhưng ngoài công việc xe ôm, mẹ con tôi không biết làm gì khác. Với lại, chúng tôi kiếm tiền bằng sự chân chính thì không phải lo sợ gì hết. Sau này có thể con gái sẽ chuyển nghề nhưng có lẽ, nghề xe ôm sẽ gắn bó với tôi đến tận khi nào không còn sức khỏe để làm việc nữa thì thôi”, chị Tuyết tâm sự.
An Nhiên
Đăng nhận xét