Ads (728x90)

Tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến là nguồn khích lệ không chỉ trong đấu tranh giải phóng đất nước mà còn trong mọi thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã phát biểu như trên tại buổi lễ kỷ niệm 71 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2016) do CLB Truyền thống kháng chiến TP HCM tổ chức mới đây.

“Độc lập hay là chết”

Ngày 15-8-1945, sau khi nhận tin Nhật đầu hàng, Xứ ủy Nam Kỳ xác định TP Sài Gòn là trung tâm, hình mẫu cho khởi nghĩa toàn Nam Bộ và thành lập ủy ban khởi nghĩa do Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập 2 hội nghị tại Chợ Đệm để nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ.

Cuối cùng, theo đề nghị của Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu, hội nghị quyết định giao cho Đảng bộ Tân An làm khởi nghĩa thí điểm. Ngày 22-8-1945, khởi nghĩa ở Tân An giành được thắng lợi, chiếm cầu Tân An và Bến Lức (Long An). Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa ở Sài Gòn giành thắng lợi.

Quat khoi tinh than Nam Bo khang chien - Anh 1

Các đại biểu họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 71 năm ngày Nam Bộ kháng chiến

Nhân dân Nam Bộ hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, chỉ hơn 20 ngày sau, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, được sự hậu thuẫn của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn, đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Sáng 23-9-1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, TP HCM). Trong hội nghị có 2 luồng ý kiến khác nhau: Một bên đề nghị phải ra lệnh kiên quyết đánh; một bên nêu quan điểm chưa nên hạ lệnh kháng chiến mà chờ xin ý kiến trung ương...

Theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, trong thời khắc lịch sử đó, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy đã có quyết định sáng suốt, chính xác, kịp thời với ý chí thống nhất cao độ “Độc lập hay là chết”. Điều này được khắc ghi vào lịch sử như một lời thề quyết tử của nhân dân Nam Bộ sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Đêm 23-9-1945, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Trong nội thành, chiến lũy được dựng lên ở khắp các phố phường để cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học. Chỉ sau thời gian ngắn, 320 đội tự vệ chiến đấu đã được tổ chức, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm.

Ở các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến cũng chỉ đạo thành lập những đội du kích, đội tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền.

Bản lĩnh Trần Văn Giàu

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhận định: Thời khắc quân dân Sài Gòn - Gia Định theo lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đồng lòng nổi dậy, dũng cảm kiên cường đánh trả quân xâm lược Pháp khi chúng muốn tròng trở lại ách nô lệ lên đầu nhân dân ta, là một dấu mốc lịch sử chống ngoại xâm vĩ đại của dân tộc.

Dù chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, những người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng đã thực hiện “tiêu thổ, trong đánh ngoài vây” khiến cho cả một lực lượng viễn chinh nhà nghề với tàu chiến, máy bay, xe tăng tạo thành cỗ máy chiến tranh hiện đại bị giam chân hơn một tháng trong TP không điện, không nước, không lương thực, góp phần làm tiêu tan ý chí xâm lược của kẻ thù.

Thành công đó thể hiện khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của Đảng bộ Nam Bộ, trong đó có công lao to lớn của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Trần Văn Giàu. Ông đã thực hiện xuất sắc vai trò người đứng đầu chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ. Với sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp và phát xít Nhật, trong điều kiện đấu tranh không khoan nhượng với nhiều đảng phái đối lập, trong hoàn cảnh chưa liên lạc được với Trung ương Đảng, phải mất nhiều thời gian để đạt đến sự thống nhất cao trong cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa nhưng với tinh thần sáng tạo, quyết tâm, dám chịu trách nhiệm, cuối cùng quân dân Nam Bộ đã vượt qua tất cả để đi đến thắng lợi.

Theo Thiếu tướng - PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, bản lĩnh và tư duy chính trị quân sự của Trần Văn Giàu đã in đậm trong một sự kiện lịch sử trọng đại, có tầm ảnh hưởng không chỉ đối với Sài Gòn, đối với Nam Bộ mà còn cả nước. Nam Bộ kháng chiến không những phù hợp với thực tiễn của Nam Bộ lúc đó mà còn báo hiệu tính chất tất yếu của một cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ kháng chiến đi trước cả nước khiến Pháp không thể thực hiện âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh; tạo điều kiện cho cả nước có thời gian xây dựng, củng cố lực lượng.

71 năm qua, tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến đã luôn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào Nam Bộ nói riêng và toàn dân tộc ta vững bước vượt qua những thử thách của lịch sử. Kế thừa và phát triển tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến lên một tầm cao mới đã giúp quân dân ta viết lên bao trang sử hào hùng.

Ngày 23-9-1945 đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc như một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra một trang sử oanh liệt, hào hùng: Ngày Nam Bộ kháng chiến.

Bài và ảnh: Trường Hoàng

Đăng nhận xét