Ads (728x90)

Họ, những người đàn bà mỗi ngày đang PHẢI SỐNG để ĐƯỢC SỐNG. Họ kiên cường dù chưa bao giờ nghĩ và muốn mình phải gồng lên mà sống giữa những chất chồng khổ đau ấy.

Tôi còn nhớ gặp chị ngày chị nằm viện sau ca phẫu thuật cắt tử cung, bạn bè người quen vào thăm, nhìn chị thương cảm. Chị phải đối diện với những câu hỏi rất vô tình: “Rồi mày tính sao? Liệu có kết hôn nữa không?”. Tình thương yêu là thứ luôn làm người ta tan chảy vì cảm động, nhưng cũng là thứ dễ làm người ta nghĩ ngợi, tủi thân. Lời người đồng nghiệp vô tư lự cứ xoáy vào tim chị: “Đàn bà như mày giờ chẳng còn gì…”.

Đàn bà như mình chẳng còn gì ư? Câu hỏi này làm đôi mắt chị ráo hoảnh giữa đêm. Một người giàu nữ tính, điệu “đến chảy nước” như chị đã qua thời tuổi trẻ tràn ngập say mê, yêu thương, kết hôn, sinh con và vất vả nuôi con khôn lớn. Những trục trặc hôn nhân khiến chị phải chia tay chồng và đơn thân nuôi con nên người. Một phụ nữ nhạy cảm, thấy gì cũng đẹp, thương từng cái lá, cánh hoa chị trồng trên sân thượng.

Một giọt sương trong veo buổi sớm cũng làm chị run lên vì xúc động, bạn bè nói chị dư thừa nữ tính. Ừ người nhạy cảm và nữ tính có khi nào thôi yêu đời yêu người đâu. Chị còn thấy mình đẹp, còn thấy trái tim mình thổn thức trước những tình cảm nhớ nhung. Vậy mà giờ đây, cái án vô hình đang gán lên chị có tên “không còn chút đàn bà”.

Nhung nguoi dan ba PHAI SONG - Anh 1

Anh minh họa.

Liệu chị có lấy chồng được không? Người đàn ông chị yêu mấy năm nay luôn yêu thương và lo lắng cho chị. Chị không hề muốn giấu anh sự thật về bệnh tình, nhưng bản năng tự vệ cho tình yêu cũng muốn chị căng mình ra bảo vệ những cảm xúc quý báu của anh, vốn chẳng dễ tìm ở tuổi này. Không chỉ là sợ mất anh, chị còn lo anh suy sụp, không chịu nổi những thông tin kinh khủng về thân thể người đàn bà anh yêu. Và chị chọn giải pháp giữ nỗi đau ấy một mình.

“Đàn bà như mình thì …” nỗi mặc cảm ấy đeo đẳng rất nhiều những người không may mắc phải căn bệnh này. Một đồng nghiệp của tôi có bạn trai. Cũng là điều bình thường thôi, 13 năm sau cuộc hôn nhân đầu, chị đi về lẻ bóng, nỗi cô đơn ở bên chị đã quá lâu rồi. Vì vậy, khi trái tim đập lên những nhịp lạ lùng ở tuổi bốn mươi, chị biết mình có thể yêu lần nữa.

Người ấy cũng mới thương chị vài năm nay. Anh lo lắng, chăm sóc cho chị, quan tâm tới mẹ già của chị. Không phải mặc cảm cuộc sống nghèo khiến chị tự tin tụt xuống thế yếu, mà chị đủ thông minh và nhạy cảm biết đây chính là người có thể hết lòng vì mì nh, người không thể lạc lòng, đổi thay.

Thế nhưng, cơn bệnh giáng xuống vào một ngày mùa thu năm trước. Đã ung thư, đã giai đoạn 2, mà ác nghiệt sao lại còn chọn trú ngụ ở nơi nhạy cảm của đàn bà. Chị phẫu thuật cắt tử cung xong, những khối hạch di căn vẫn tồn tại, rồi quãng đường dằng dặc hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Anh vẫn bên cạnh, yêu thương, chăm chút cho chị . Người đàn ông rắn rỏi đó sẵn sàng xuất hiện mỗi khi chị muốn ngã khuỵu, cạn kiệt sức lực không chỉ vì căn bệnh, mà còn vì dị nghị của người đời, theo cái kiểu cay nghiệt đến khôn cùng “chắc ăn ở sao mới bị quả báo như vậy!”.

Chị nói, có những lúc thấy anh yêu thương chị hơn bản thân mình. Nhưng “Càng như thế chị càng thấy mình… có lỗi. Tội ảnh quá em, chị bị vầy, chắc sẽ buông tay để anh ấy tìm hạnh phúc mới, anh ấy đâu đáng phải chịu những cảnh như vầy, ngoài kia còn biết bao người hơn chị !”. Câu chuyện giữa chúng tôi khi ấy như đứt vào thinh không...

Có những bệnh nhân khi nhắc đến căn bệnh, đôi mắt không giấu được vẻ hờn giận. Hờn giận ai? Họ không đổ cho số phận, họ hờn giận bản thân mình vì quá bận rộn lo buôn bán, cơm nước, chợ búa và hàng trăm việc không tên, để lúc nào cũng thấy chuyện lo sức khỏe cho mình sao mà xa xỉ . Để rồi giờ đây, khi căn bệnh “trời kêu” giáng xuống đầu họ vẫn tự an ủi theo kiểu “thôi thì mình gánh họa cho chồng cho con"; để rồi giờ đây, dù còn rất trẻ họ lại ngồi viết sẵn di thư “các con thương yêu, nếu mẹ phải ra đi, ba có vợ mới, thì các con phải thương dì và thông cảm cho ba…”.

Những người đàn bà PHẢI SỐNG mà tôi gặp dường như chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình, dù họ đang cận kề cái chết…

Kim Ngân

Đăng nhận xét