Ông đi dọc đường làng. Mọi người trông thấy ông đều chào từ xa. Trẻ con đi học về khoanh tay chào ông rất lễ độ. Tại sao cái làng thuần nông này lại nề nếp thế, ứng xử văn hóa thế. Các con ông ở Hà Nội, học hành nhiều, chữ nghĩa đầy mình mà ứng xử không bằng trẻ con nhà quê. Ông mang cái bực bõ ấy về tận nhà. Bữa cơm tối dọn ra, các con ông bưng bát cơm ăn mà không mời ai cả. Ông Thành nghiêm giọng: “Tại sao Hồng Lam và Hồng Lĩnh không mời ai cả? Không mời bố mẹ thì cũng phải mời ông Toàn chứ, đó là bậc ông cơ mà”. Hồng Lam chống chế: “Tại bố đi về muộn quá. Chúng con chờ cơm bố đói vàng mắt quên cả mời. Con xin lỗi ông Toàn”. “Con gái 34 tuổi rồi mà vẫn chưa biết gì, lại chưa chịu lấy chồng”. “Bố bảo con lấy ai? Con chưa thấy ai có thể làm chồng con. Con không lấy loại đàn ông vô dụng để suốt đời hầu hạ đâu”. Có thể Hồng Lam không có ý gì nhưng câu đàn ông vô dụng lại chạm tự ái của ông Thành. “Mới sang Mỹ học được 3 chữ đã biết cãi bố và xem thường bố rồi”. “Thôi, ông đừng nói nữa, ăn mất cả ngon”, bà Thuận lên tiếng và ông Thành im lặng.
Cơm xong, ông Toàn pha một ấm trà ngon và gọi ông Thành ra ngồi bên cái bàn nhỏ cạnh gốc trà cổ uống trà. “Ngày xưa cụ Đạt chơi cây cảnh cũng rất đúng phép tắc. “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Quan mà chơi lan là có ý cạnh tranh với nhà vua. Cây trà này là giống quý, hoa to và dày, lại rất thơm”. Ông Thành nói: “Cụ nhà mình ứng xử có văn hóa từ trong nếp sống. Còn bọn trẻ con bây giờ không biết gia phong nề nếp là gì”. “Anh đừng nặng nề quá. Cả nhà anh đều là tiến sĩ. Phú thì chưa có nhưng quý thì đã có rồi. Con Hồng Lam sau này sẽ được cả phú lẫn quý. Nhất định chồng nó phải danh giá. Nếu chưa gặp được người như mong muốn nó không lấy chồng. Anh đừng sốt ruột. Chuyện nhân duyên không vội vã được. Thằng Hồng Lĩnh rồi sau cũng khá. Cung tài lộc của nó rất đẹp. Người như nó không bao giờ bị cơ nhỡ về công danh và tiền bạc”. “Nhưng chúng nó không biết ai trên ai dưới cả, như thế là hư. Cũng tại vợ cháu không biết dạy con”. “Anh không nên nói vợ như thế. Chị ấy là người “kiếm cơm” cho cả nhà. Chị ấy có số hưởng, là người kiếm tiền chủ yếu trong gia đình. Vợ có tiền thì cũng phải có một chút quyền chứ. Anh không nên xem thường vợ. Cụ Đạt nhà mình nhiều chữ và biết đổi chữ thành tiền nên nhà mình mới được như thế này. Bố anh cũng biết đổi chữ thành tiền. Cả nhà chỉ mình anh là không biết đổi chữ thành tiền, có tiếng mà không có miếng. Cung tài lộc của anh bị phá. Người như thế không bao giờ có tiền. Tốt nhất là anh nên làm một người chồng, một người cha ôn òa, lấy cái hòa trong nhà làm chính thì gia đình mới yên ấm”. Ông Thành ngồi im lắng nghe. Bài học đơn giản thế mà về tận làng quê, tiến sĩ Thành mới được nghe.
Khánh Hoàng
Đăng nhận xét