Khuynh hướng của chính quyền văn minh hiện đại
Xã hội càng văn minh, thì dân trí càng cao và dân chúng càng tự lập. Ở mức độ cộng đồng, sự tự lập của dân chúng thể hiện ở xã hội dân sự lớn mạnh và rộng khắp. Nhiều việc trước kia do chính quyền phụ trách thì nay xã hội dân sự đảm đương, chính quyền có nhiệm vụ tạo đất cho xã hội dân sự hoạt động và bảo vệ an ninh các hoạt động đó. Trong xã hội như vậy, vai trò của chính quyền ngày càng thu hẹp. Thu hẹp hơn nhưng tinh tế hơn, chiến lược hơn và hiệu quả phục vụ xã hội cao hơn. Chính quyền đó thực sự đại diện cho dân, gồm những con người do chính dân tín nhiệm và lựa chọn theo nhiệm kỳ trong sự tự do ứng cử và bầu cử.
Chính quyền đó phục vụ dân chúng trong chiều hướng ngày càng nâng dân trí cao hơn, tổ chức sao cho dân chúng ngày càng tự lập hơn. Cùng với đó, bộ máy chính quyền ngày càng gọn hơn nữa, nó chuyển dần một số hoạt động cụ thể cho xã hội dân sự và tập trung vào các lĩnh vực cao cấp và then chốt như cùng với dân chúng xác định các mục tiêu chiến lược của đất nước, từ đó đề ra chính sách trên các mặt trận ngoại giao, an ninh, giáo dục, kinh tế, quốc phòng… và tổ chức thực thi hiệu quả các chính sách lớn của đất nước. Như vậy khuynh hướng tiến bộ của chính quyền hiện đại là ngày càng tiến về hướng có nhiều hơn tính trọng dân, tính khiêm tốn, tính hiệu quả, tính tinh gọn, tính tiết kiệm… Một trung tâm hành chính công, nếu biểu hiện trong kiến trúc của nó các tính chất trên, sẽ có nét đẹp tuyệt vời và sâu thẳm.
Cảm nhận trước các trung tâm hành chính và công quyền
Trong thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, các trung tâm hành chính mới, quần thể các tòa nhà hành chính mới được xây lên hoành tráng và nguy nga. Cảm nhận chung và đầu tiên của tôi là đẹp. Đẹp về mặt vật chất. Tuy nhiên, sau giây phút choáng ngợp đầu tiên, tôi tự hỏi: Những tòa nhà đó được thiết kế theo triết lý kiến trúc nào, tinh thần nào? Nhằm vào công dụng gì? Những trung tâm hành chính rộng lớn và hoành tráng gây cảm giác công quyền thống trị quá mạnh mẽ trên xã hội dân sự yếu ớt. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đã nhắc nhở rằng khi xây dựng các trung tâm này “cần lưu ý đến sự thân thiện và tính hiệu quả. Đừng để người dân thấy mình nhỏ bé”. Cảm giác nhỏ bé của người dân trước cửa công cho thấy tính chậm tiến của xã hội. Và nếu nhìn khuynh hướng sắp tới, tôi e rằng xã hội Việt Nam đang tiến ngược chiều với khuynh hướng phát triển chung của thế giới. Triết lý trọng dân trong kiến trúc có nguồn gốc từ tinh thần dân chủ và từ quan sát rằng, các thay đổi của một quy hoạch đô thị hay một công trình kiến trúc mang dấu ấn của cộng đồng thì chậm hơn thời gian tồn tại của một chính quyền. Vậy chính dân chúng mới là người chủ của các kiến trúc này, người chủ của các thay đổi này.
Người dân có cảm nhận triết lý trọng dân và tinh thần dân chủ trong kiến trúc của các trung tâm hành chính không? Vẻ hoành tráng, nguy nga có phù hợp với tính tinh gọn không? Tính khiêm tốn nằm đâu trong những kiến trúc này? Nếu so sánh với kích thước hiện nay của nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế địa phương, với hiện trạng đầy khó khăn và khuynh hướng phát triển không chắc chắn của nền kinh tế, vẻ hoành tráng nguy nga đó có phù hợp với tính hiệu quả và tính tiết kiệm không? Ngoài ra, về mặt công dụng, còn phải xem những trung tâm hành chính đó có phù hợp với mong muốn được tuyên bố của Chính phủ về tinh giản biên chế không? Báo chí trong nước đã vạch rõ bộ máy công quyền Việt Nam quá cồng kềnh, tốn kém mà hiệu năng của việc cung cấp dịch vụ công lại rất không tương xứng. Tinh giản bộ máy đó là yêu cầu phát triển của đất nước, điều này được các nhân vật quan trọng trong bộ máy cầm quyền xác nhận và tuyên bố công khai.
Mong muốn thành phố mình, nước mình đẹp
Một quan điểm kiến trúc hiện đại rất được coi trọng là công trình kiến trúc phải hướng đến các thay đổi trong tương lai và chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo. Như vậy, những công trình trung tâm hành chính cần thể hiện và chuẩn bị cho khuynh hướng phát triển của chính quyền và dân chúng, nghĩa là cần thể hiện các tinh thần trọng dân, hiệu quả, tinh gọn, khai phóng… Một trung tâm hành chính công, mang trong kiến trúc và quy hoạch của nó các tinh thần trên, sẽ có nét đẹp tuyệt vời và sâu thẳm của trí tuệ và tình cảm. Nét đẹp đó lay động lòng dân, góp phần đoàn kết dân chúng, góp phần giáo dục, khuyến khích, củng cố các giá trị sống dân tộc truyền thống và đồng thời văn minh, tiến bộ... Nét đẹp đó khiến du khách yêu mến, quý trọng địa phương… Là người dân của TP.Hồ Chí Minh, là công dân Việt Nam, tôi mong muốn thành phố của mình, nước của mình có những trung tâm hành chính mang nét kiến trúc đẹp như thế.
Lê Học Lãnh Vân/Duyên dáng Việt Nam
Đăng nhận xét