Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và một số sở, ngành cấp tỉnh, đại diện các hội doanh nghiệp…
Toàn cảnh buổi làm việc.
Ngay sau khi có Nghị quyết 09, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức quán triệt, ban hành Chương trình hành động và nhiều đề án thực hiện; đồng thời phân công Ban Dân vận Tỉnh ủy theo dõi, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Qua đó, nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nhân về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được nâng lên.
Tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động như đẩy mạnh cải cách hành chính, mở hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm..; đồng thời hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn.
Công nhân làm việc tại xưởng cơ khí của công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân. Tính từ 2012 đến nay, thực hiện Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2012 -2015, có tính đến năm 2020, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho 3.562 học viên;..
Cùng với đó, Nghệ An đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của tổ chức đại diện, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Một lớp đào tạo doanh nhân được tổ chức tại Nghệ An. Ảnh tư liệu.
Từ đó, đội ngũ doanh nhân, quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh. Đến nay, tổng số doanh nghệp đăng ký gần 15.300 doanh nghiệp, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và thứ 7 cả nước.
Doanh nghiệp ở Nghệ An phát triển đa dạng, chiếm tỷ lệ lớn nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng; công nghiệp khai thác, chế biến. Năm 2015, các doanh nghiệp đóng góp ngân sách hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu đóng tại địa bàn TP Vinh, chiếm gần 48%, chỉ có hơn 25% doanh nghiệp hoạt động ở khu vực miền núi, trong đó chỉ có 2,86% doanh nghiệp hoạt động ở vùng núi cao; và theo số liệu cơ quan thuế có 9.500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 62% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông khẳng định, cấp ủy, chính quyền rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đối với tương lai và sự phát triển của tỉnh nhà. Do đó, tỉnh khuyến khích, hoan nghênh, hỗ trợ, bảo đảm sự bình đẳng đối với doanh nhân và các loại hình doanh nghiệp để họ phát huy tài năng, làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.
Vì vậy, tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09, trong đó tập trung quan tâm ban hành cơ chế, chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đổi mới cách làm trong đào tạo doanh nhân.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng nhấn mạnh quan điểm: Doanh nghiệp, doanh nhân đặt trong mối quan hệ phát triển luôn được coi là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên phải gắn với mục tiêu đảm bảo sự ổn định xã hội, an toàn môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Bích Thủy đánh giá cao kết quả Nghệ An đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 09. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết 09 để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là trong điều kiện nước ta đang thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp; chỉ đạo rà soát, ban hành các chính sách trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và các biện pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trong xây dựng các cơ chế, chính sách.
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Tỉnh cũng cần chỉ đạo tăng cường phối hợp các đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp; tiếp tục quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò của các hội doanh nghiệp với tư cách là cầu nối, đại diện tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp với các cấp ủy đảng, chính quyền; tuyên truyền Nghị quyết đến đội ngũ doanh nhân.
Mặt khác, Nghệ An cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Nghị quyết 09. “Trong đó quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đảng bộ trực thuộc; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng doanh nghiệp ngoài nhà nước, phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp, đào tạo, cung cấp thông tin cho đội ngũ doanh nhân về các luật pháp, các thông lệ quốc tế…”, đồng chí Trần Thị Bích Thủy nhấn mạnh.
Cùng với đó, đồng chí Phó Ban Dân vận Trung ương đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm trong việc chỉ đạo bộ phận phụ trách để theo dõi việc thực hiện các kết luận của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các cơ quan đã được phân công giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.
Thành Duy
Đăng nhận xét