Ads (728x90)

Thoa luôn nhớ đến anh Hải với một lòng biết ơn sâu sắc nhưng trong thâm tâm chàng lính cứu hộ này, đó chỉ là một việc làm hết sức bình thường.

Hai tháng đã trôi qua kể từ khi ngôi nhà số 43 Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ đổ sập khiến 2 người tử vong và 4 người bị thương, dư luận có lẽ đã tạm quên đi vụ việc đau lòng này. Nhưng với những người liên quan, thì đó vẫn là một phần ký ức đầy ám ảnh, sợ hãi.

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 1

Khung cảnh hoang tàn vụ sập nhà Cửa Bắc.

Thế nhưng trong bóng tối của nỗi sợ cái chết bao trùm, vẫn có một câu chuyện rất đẹp của người lính cứu hộ và một nạn nhân nữ may mắn sống sót mà có lẽ ít người biết. Bùi Thị Thoa (SN 1996, Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) luôn tin rằng, sau ngày định mệnh ấy, hình ảnh về người lính cứu hộ và sự biết ơn sâu sắc sẽ theo cô đến trọn đời.

"Tôi luôn cảm thấy tiếng nói của họ rất gần nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy ai..."

Nhớ lại vụ sập nhà Cửa Bắc, Thoa vẫn không khỏi bàng hoàng. Cô nói đó là một kí ức rất đáng sợ, cho đến bây giờ, chỉ cần nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, dù vững chãi đến đâu cô vẫn luôn cảm thấy lo lắng.

Đêm đó, khi cô đang say ngủ trong phòng thì tòa nhà bất ngờ rung lắc và đổ sập. Khi Thoa mở mắt ra, cô chỉ thấy một khoảng tối đen như mực, cảm nhận rất nhiều đất đá đổ lên người, cơ thể đau nhức và hơi thở mỗi lúc một khó nhọc.

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 2

Thoa từng đối diện với nguy cơ bị cắt chân sau vụ sập nhà.

Cô cũng không nhớ mình đã bị vùi lấp trong đống đổ nát bao lâu thì nghe tiếng các anh lính cứu hộ gọi hỏi, cô đáp lại và họ đã tìm thấy cô. "Lúc đó mình rất mừng, luôn tự trấn an rằng phải cố lên, chỉ một chút nữa, lính cứu hộ sẽ cứu thoát ra ngoài".

Ở sâu trong đống đổ nát, Thoa không thể biết mình đã bị bao nhiêu đất đá vùi lấp. Từ khi nghe tiếng cứu hộ gọi hỏi, Thoa luôn cảm thấy họ ở rất gần, chỉ một chút nữa sẽ đào đến. Nhưng không phải như thế, họ cứ bới tìm nhưng bới mãi vẫn không đến chỗ cô. "Mình thì đau đớn, hơi thở càng lúc càng yếu. Đấy là lần đầu tiên mình thấy sợ hãi và biết là cái chết đang cận kề đến như thế".

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 3

Hiện sức khỏe cô gái trẻ đã dần ổn định.

Trong suốt khoảng 2 giờ tìm kiếm, lính cứu hộ luôn tìm cách gọi hỏi và trò chuyện cùng cô. Ban đầu, Thoa còn nhiệt tình đáp lại nhưng sau đó cô rất cáu bực. "Mình đã hét lên với anh ấy là sao anh không tập trung bới gạch đá ra để cứu em, anh hỏi gì mà hỏi lắm thế". Thoa kể, càng lúc cô càng cảm thấy sốt ruột và mất kiên nhẫn với những câu gọi hỏi của lính cứu hộ. Có lúc, cô cảm thấy hình như họ còn không nhiệt tình cứu mình vì cô luôn cảm thấy tiếng nói của họ rất gần nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không nhìn được họ.

Tuy nhiên, đến lúc gạch đá được bới ra, cô bắt đầu nhìn cảnh vật xung quanh thì thấy một anh cứu hộ đang miệt mài đảo bới, lấm lem và mệt mỏi để cứu cô. Phía sau anh vẫn còn khoảng vài người nữa đang chờ để giúp anh đưa cô lên. Khoảng cách mà cô nghĩ là rất gần ấy thực sự lại khá dài. Vì ở sâu trong đống đổ nát, cô không hề nghĩ rằng mình lại bị nhiều đất đá đè lên như vậy.

"Lúc mình nhìn được xung quanh, thấy anh ấy quan tâm, liên tục lau mặt, đưa bình thở cho mình, và miệt mài đào bới đất đá đang đè nặng trên người mình. Anh ấy cũng rất mệt nhưng luôn lo lắng, động viên mình. Điều ấy khiến mình thực sự rất cảm động và hối hận vì đã nghĩ xấu về anh".

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 4

Trung úy Cao Hồng Hải - người đã cứu sống Thoa trong vụ sập nhà kinh hoàng.

Sau này, Thoa cũng mới biết rằng, việc gọi hỏi là việc rất quan trọng giúp anh trấn an và hiểu về tình trạng sức khỏe của cô. Khi hiểu được tất cả những điều này, từ chỗ hiểu lầm, Thoa dần cảm thấy rất kính trọng và biết ơn sâu sắc người đã cứu cô. Thoa gọi đó là ân nhân, là người giúp cô tiếp tục được nhìn thấy ánh sáng.

"Mình rất biết ơn anh Hải đã cứu mình. Nhiều lần muốn làm gì đó để cảm ơn anh nhưng anh ấy thì chỉ xem đó là nhiệm vụ, là việc hết sức bình thường. Nhưng càng như vậy, mình càng quý trọng anh hơn", Thoa vui vẻ nói.

Người lính cứu hộ một mình đào bới suốt đêm khuya

Người lính cứu hộ mà Thoa chịu ơn là Trung úy Cao Hồng Hải (SN 1987, cán bộ đội Cứu nạn cứu hộ, phòng Cứu nạn cứu hộ). Nhớ lại vụ việc, anh Hải kể, khoảng 3h30, nhận được tin báo, anh lập tức xin ý kiến của sếp và nhanh chóng lên đường, có mặt tại hiện trường vào khoảng gần 4h sáng.

Đội cứu nạn cứu hộ phối hợp với các đơn vị khác chia thành nhiều mũi tìm kiếm nạn nhân. Trước khi tìm thấy Thoa, anh Hải đã tham gia một mũi, hỗ trợ đưa một nạn nhân còn sống ra ngoài. Sau đó, anh tiếp tục đi tìm, đến khoảng 4h30 sáng thì phát hiện Thoa. Anh cũng là người chịu trách nhiệm chính ở đó. "Lúc đầu, các anh em đều hỗ trợ bới tìm nạn nhân nhưng khi xuống sâu, chỉ còn một mình tôi tiếp tục đào bới".

Nhớ lại kỉ niệm gọi hỏi nạn nhân, anh Hải tâm sự, việc gọi hỏi là một trong những kỹ năng cứu hộ cần thiết. Việc này không chỉ giúp nạn nhân bình tĩnh, luôn cảm thấy có người quan tâm mà còn giúp anh nhận định về tình hình sức khỏe của cô. "Mặc dù bị Thoa gắt gỏng nhưng tôi rất vui vì tôi biết là Thoa vẫn còn có thể trò chuyện được, tiếng nói vẫn to và rõ".

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 5

Anh Hải nói chưa khi nào cảm thấy việc cứu Thoa là điều gì lớn lao.

Anh Hải tâm sự, khi chui sâu vào trong căn nhà đổ sập để tìm kiếm nạn nhân, mặc dù đã dựng tạm dàn chống sập đổ để hỗ trợ công tác tìm kiếm nhưng nguy cơ tái đổ sập của các cấu kiện xây dựng vẫn rất cao. Thực ra không chỉ có mình Thoa mà những người cứu cô cũng đang phải đối mặt với nguy hiểm cận kề. Nếu những cấu kiện trên cao tiếp tục đổ sập xuống, thật khó để nói trước được điều gì. Nhưng thay vì có thể nóng giận như Thoa, họ lại luôn phải tỏ ra bình tĩnh hơn ai hết. Trong lúc đào bới, dù thấm mệt nhưng anh Hải phải liên tục cố gắng gọi hỏi để động viên nạn nhân.

"Mình phải gỡ tóc giúp Thoa rồi mới đưa bạn ấy ra, vì mái tóc rất quan trọng với con gái"

Có một kỉ niệm anh Hải nhớ nhất là sau khi bới hết đất đá ra ngoài thì tóc của Thoa bị vướng chặt vào rất nhiều các cấu kiện xây dựng xung quanh. Lúc đó anh em đều bảo nên cắt tóc để nhanh chóng đưa nạn nhân ra ngoài nhưng anh Hải đã ngăn lại.

"Mình hiểu là mái tóc là phần rất quan trọng của người con gái. Vì thế mình đã kiên nhẫn hơn một chút, gỡ rối giúp Thoa rồi mới đưa bạn ấy ra ngoài". Thấy Thoa lo lắng, anh Hải còn động viên và hứa sẽ cho tiền làm tóc để cô vui lên và yên tâm hơn.

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 6

Anh Hải tập luyện cứu nạn cứu hộ.

Có một cơ duyên giúp họ gặp nhau sau vụ tai nạn là anh Hải có mượn điện thoại của cô để liên lạc với các nạn nhân khác. "Khi đưa trả điện thoại, mình có đến thăm Thoa và mới hiểu là gia cảnh bạn ấy rất khó khăn, thấy rất thương và hy vọng sẽ có người giúp đỡ bạn ấy hồi phục, tìm được việc làm phù hợp".

Thoa cũng tâm sự, cô mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình khó khăn lại đông em, cô phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đi làm phụ giúp gia đình. Khi đến làm việc tại ngôi nhà số 43 Cửa Bắc chưa được mấy ngày đã xảy ra tai nạn. Trước đó, cô từng nghĩ phải cưa bỏ đôi chân để giữ lại tính mạng.

Chuyen chua ke ve tinh nguoi giua anh linh cuu ho va nu nan nhan vu sap nha Cua Bac - Anh 7

Rất may là cô không bị cưa chân, sức khỏe cũng đã dần ổn hơn. Anh Hải tâm sự, khi cứu được Thoa, anh rất vui vì biết cô còn sống, càng vui hơn khi sức khỏe của cô tiến triển tốt. Nhưng niềm vui của anh chỉ dừng lại ở đó, mỗi ngày trôi qua, anh lại có thêm nhiều nhiệm vụ khác. Vụ sập nhà Cửa Bắc có thể là một kỉ niệm đáng nhớ anh không hề nghĩ việc cứu Thoa là một chuyện gì quá lớn lao.

"Bạn ấy gọi mình là ân nhân và mình không thích như thế chút nào. Với mình, nó là công việc bình thường, là chuyện nên làm vậy. Mình cũng không nghĩ cứu cô ấy vì mong đợi được trả hoặc biết ơn gì cả. Chỉ cần bạn ấy sống tốt là mình thấy vui rồi".

Theo Thu Hường / Trí Thức Trẻ

Đăng nhận xét