Năm điều khác nhau giữa bệnh nhân Ta và bệnh nhân Tây
Sự khác biệt giữa môi trường hành nghề Tây và Ta khiến cho ai không quen rất dễ bị sốc văn hóa. Nhiều người đã cố gắng thay đổi thói quen này nhưng rất khó, vì người ta đã quá quen mất rồi.
Đặt hẹn:
- Bệnh nhân Tây thường gọi điện thoại đặt hẹn trước và nhân viên trực phòng khám sẽ nhận hẹn dựa vào lịch làm việc của bác sĩ (BS).
Thường lịch khám của bác sĩ trong ngày sẽ được chia thành từng ô trên lịch với thời lượng khoảng từ 10-15 phút/lần khám. Mỗi ô trống như vậy gọi là một slot và tiếp tân phòng khám sẽ dựa vào lịch hẹn trước để xếp vào những slot nào còn trống cho BS.
Sáng sớm BS bước vào phòng khám sẽ nhận được thông báo lịch khám của mình từ đầu đến cuối giờ làm việc, có cả thời gian nghỉ giải lao để uống ít trà hay cafe.
Bệnh nhân nào đến khám mà không hẹn trước, thường gọi là walk-in hay là vãng lai thì tiếp tân sẽ xếp vào các slot nào còn trống của các bác sĩ.
Nếu không có slot nào trống, bệnh nhân sẽ phải đợi đến giờ nghỉ trưa của BS (thường trước đó không nhận đặt hẹn khung giờ này) và BS sẽ tranh thủ khám vào giờ đó. Thường là các BS nước ngoài không ngủ trưa. Bữa trưa, nếu không phải khám bệnh nhân vãng lai thì họ sẽ tranh thủ vừa ăn vừa họp, sinh hoạt chuyên môn v.v...
- Bệnh nhân Ta thường không bao giờ đặt hẹn, chỉ thích sáng sớm đi tới tận nơi để giành nhau lấy số thứ tự, cho nên mới có cảnh bệnh nhân xếp hàng lấy số khám bệnh lúc 3h-4h sáng hoặc gửi hay nhờ người nhà đi lấy số khám bệnh.
Thế nên có nhiều tình huống dở khóc dở cười, bệnh nhân định đi khám nội thần kinh mà người nhà đi lấy số nội tim mạch, nên đến nơi thì lại phải lấy số thứ tự lại từ đầu.
Lấy số xong rồi thì tất cả con người đó vạ vật ngồi đợi trước cửa phòng khám. Ngồi đợi lâu dễ bực bội, nóng tính, nổi cáu, rồi sinh tật chửi BV, chửi BS để đòi ưu tiên chen hàng.
Bác sĩ Đặng Thanh Huy
Xếp hàng:
- Bệnh nhân Tây thường kiên nhẫn đợi đến lượt, trong thời gian đợi thì ngồi ngoài phòng chờ đọc sách đợi đến lượt mời vào.
- Bệnh nhân Ta thì bằng mọi giá phải xông vào phòng BS cho bằng được. Thấy trong đó BS đang khám cho người khác, họ vẫn xông vào, dù biết chưa được khám ngay thì cũng phải vào cho được, kiếm chỗ ngồi hay đứng ngay trong phòng ngắm BS khám bệnh?!
Nếu không được vào ngồi chờ bên trong, họ cũng tìm cách vào đặt phiếu khám lên bàn BS mới được. BS có khám bệnh cũng kệ, bệnh nhân vẫn ra vào nườm nượp như thường.
Sau đó thì họ ra vào thập thò trước cửa phòng, dùng ngôn ngữ hình thể để bảo: "Sốt ruột lắm rồi nha!".
Thời gian khám bệnh:
- Bệnh nhân Tây: Thời gian khám, tư vấn từ 10 phút -15 phút. Nếu bệnh nhân muốn tư vấn nhiều hơn (gọi là long-consultation), BS sẽ tính phí khám cao hơn và bệnh nhân Tây chấp nhận điều này.
- Ta: Chỉ chấp nhận giá rẻ, càng rẻ càng tốt, chỉ có vài lời nói mà tính phí cao thì sẽ vô cùng thắc mắc.
Tính riêng tư:
- Tây: Bệnh nhân vào phòng khám là họ đóng cửa lại, nội dung buổi khám bệnh chỉ riêng tư giữa bệnh nhân và BS, không ai được thấy, không ai được biết.
Khi bệnh nhân bước ra thì mới để cửa phòng BS mở cho đến khi có bệnh nhân sau bước vào và lại đóng cửa lại.
- Ta: Bắt buộc phòng khám BS phải mở để coi BS làm gì trong đó. Không ít BN đến phòng khám thì sẽ đập cửa, giật cửa... để cửa phải mở ra mới thôi. Sau đó thì ngồi ngoài ghế đợi để... coi BS khám bệnh.
BN đến sau, thay vì ngồi đợi theo thứ tự thì cứ bước thẳng vào phòng khám như chốn không người, ít ra là để đặt xấp hồ sơ bệnh của mình lên bàn bác sĩ rồi không quên tranh thủ dòm mặt bệnh nhân đang khám một cái.
Có người, khi bị chặn lại, hướng dẫn ra ngồi ngoài đợi thì ra ngoài sảnh chửi om sòm rằng BS có thái độ giao tiếp với bệnh nhân kém.
Các trường hợp đi khám sức khỏe đoàn, khám sức khỏe cơ quan còn vui nữa. Một người vào khám thì cả hội đứng lấp ló ngoài phòng cố nghe xem đồng nghiệp mình bị bệnh gì. Nhiều khi nghe không rõ, đến lượt bước vào phòng, có người không ngần ngại hỏi luôn: "Người hồi nãy khám bị bệnh sao vậy BS?".
Khái niệm riêng tư của người Việt hình như là rất kém.
Thái độ khi thụ hưởng dịch vụ:
- Tây: thường ngồi yên tập trung nghe BS giải thích, ở cuối buổi khám (consultation), khi nhận toa, sẽ đọc kỹ toa BS đưa. Nếu thắc mắc sẽ hỏi để được hướng dẫn, tư vấn những điều chưa rõ.
- Ta: Thường chỉ chăm chăm cướp lời, BS đang giải thích về xét nghiệm máu thì cứ nhào đi hỏi X-quang tôi có sao không?
Khi giải thích xong X-quang thì quay lại hỏi: Xét nghiệm máu tôi có gì?BS nói chi tiết thì bảo nói dài quá không nhớ. Nói ngắn gọn thì dỗi, bảo BS không chịu giải thích.
Khi nhận toa, bệnh nhân ta thường KHÔNG BAO GIỜ ĐỌC.
Có người đưa con đi khám bệnh rồi về lên mạng chửi om sòm: "Đưa con đi khám bệnh cả buổi mà BS chẳng nói bệnh gì, về nhà cũng chẳng biết là bệnh gì".
Thực tế thì bệnh gì thì BS đã ghi rõ trong toa ở phần chẩn đoán, có kèm cả mã số bệnh (ICD)Có trường hợp BS đã cẩn thận ghi hết các ý tư vấn ra giấy để đưa cho bệnh nhân đọc, sợ nói miệng họ quên, thế mà họ vẫn không chịu đọc và chạy vào hỏi lại.
BS phải mời ngồi xuống, thong thả đọc tờ giấy vừa đưa, từ dòng đầu họ tên xuống dòng cuối xem trong giấy đã trả lời hết thắc mắc chưa. Khi đọc hết, hơi bẽ mặt, thay vì xin lỗi, bệnh nhân lại còn nói mát mẻ một câu: "BS kiệm lời quá nhỉ"!
Tương tác đúng cách giữa BS và bệnh nhân rất quan trọng để giúp tạo không khí tin cậy và thoải mái khi khám bệnh.
So sánh giữa Tây với Ta chỉ là việc chẳng đặng đừng, nhưng hy vọng qua đó có thể giúp người đọc nhìn ra những lỗi nhỏ thường mắc trong quá trình đi khám bệnh để giúp chúng tôi thực hiện công việc tốt hơn.
theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét