Chiều ngày 18/10, VPQH đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Hàng trăm phóng viên báo, đài trong nước và quốc tế đã tham dự cuộc họp báo.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội.
Chủ trì cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời một số vấn đề báo chí đặt ra. Theo đó, khi được hỏi về những điểm mới trong kỳ họp thứ 2 lần này, ông Phúc cho biết, sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động luật pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa mới được ban hành để yêu cầu các cơ quan soạn thảo đảm bảo đúng quy trình.
Tiếp đó, quá trình thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ mời đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương về tham gia góp ý, giúp cho chất lượng luật được nâng lên. Quốc hội cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực.
“Chúng ta cũng bảo đảm trong quá trình xin ý kiến nếu thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian xem xét, thông qua để đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn ví dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 2 nhưng nếu ra Quốc hội thảo luận thấy còn nhiều ý kiến thì sẽ kéo tiếp sang kỳ họp thứ 3 để đảm bảo chất lượng.
Theo Tổng thư ký, điểm đổi mới đặc biệt của kỳ họp Quốc hội lần này là sẽ tăng tính thảo luận và tranh luận, đặc biệt khi đại biểu phát biểu trên hội trường.
“Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội hoặc các dự án luật, Quốc hội sẽ mời cơ quan soạn thảo, cụ thể là các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với các đại biểu. Chúng tôi cũng sẽ thiết kế để các đại biểu có thể tham gia tranh luận, kể cả những đại biểu không đăng ký trên màn hình. Có thể bằng hình thức giơ biển xin tranh luận. Chủ tọa sẽ tạo điều kiện tối đa để cuộc tranh luận trở nên sinh động, sôi nổi”, ông Phúc thông tin.
Trước lo lắng của phóng viên về việc nợ công đang gấp ghé vượt trần, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề nợ công Thường vụ Quốc hội đã trao đổi kỹ vấn đề này. Tinh thần sẽ không để vượt trần nợ công. Hiện nay theo báo cáo là 62,5% chưa vượt trần 65%. Chính phủ cũng đã cam kết không để vượt trần, còn nếu vượt thì trách nhiệm thuộc về cả Chính phủ và Quốc hội.
Trả lời chất vấn của phóng viên về việc, vừa qua Bộ Tài chính đã tiến hành khoán xe công cho các Thứ trưởng và được dư luận rất đồng tình, Quốc hội có gương mẫu thực hiện? ông Phúc nói: "Việc khoán xe công chúng tôi rất hoan nghênh, QH và VPQH thực hiện khá sớm vấn đề này từ cách đây 10 năm. VPQH không công bố, tuyên truyền thôi, thực hiện lâu rồi. Còn theo cách khoán của bộ tài chính cũng chưa hiệu quả lắm vì vấn đề chính là bớt đầu xe, bớt lái xe, còn khoán như Bộ Tài chính đang thực hiện chỉ từ nhà đến cơ quan".
Theo Tổng thư ký Quốc hội, với mức khoán 15.000 đồng /km, theo thì tính cũng gần bằng đi mua xăng cho xe công, không khác gì cả. Trong khi đó ở cơ quan vẫn phải bố trí mỗi thứ trưởng một lái xe. Do đó để giải quyết bài toán khoán xe công hiệu quả phải làm theo hướng chuyển mạnh sang xã hội hóa.
"Hiện Quốc hội đang xây dựng đề án khoán xe công, nghiên cứu làm sao hiệu quả hơn", ông Phúc cho biết.
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào chiều ngày 23/11. Kỳ họp này sẽ diễn ra trong 26 ngày với khối lượng công việc lớn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Xuân Tùng
Đăng nhận xét