Viễn cảnh buồn cho U19 Việt Nam ở World Cup
Thế nhưng thất bại dễ dàng 0-3 trước U19 Nhật Bản trong trận bán kết đêm hôm kia đã cho thấy vẫn còn khoảng cách khá xa giữa U19 Việt Nam với các đội bóng hàng đầu châu lục chứ chưa nói tới các đội bóng hàng đầu thế giới.
Rõ ràng là thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu như muốn làm được một điều gì đó ở giải đấu thế giới diễn ra sau đây 1 năm.
U19 Việt Nam 0-3 U19 Nhật Bản
Thực tế cho thấy, trước Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á khác đều đã thất bại thảm hại trong lần bước ra sân chơi thế giới.
Năm 1978, U19 Indonesia đã chơi khá thành công tại VCK giải U19 châu Á. Với thành tích lọt vào tứ kết, U19 Indonesia sau đó đã được AFC chọn để thay thế cho U19 Iraq (bỏ cuộc) tham dự World Cup 1979.
Tuy nhiên tại World Cup 1979, U20 Indonesia đã thảm bại cả 3 trận trước U20 Argentina, U20 Ba Lan, U20 Nam Tư, để thủng lưới tới 16 bàn mà không ghi nổi 1 bàn danh dự nào.
Tại VCK giải U16 châu Á năm 1996, U16 Thái Lan từng thắng U16 Nhật Bản 1-0 ở bán kết và chỉ chịu thua 0-1 trong trận chung kết trước U16 Oman. Ngôi á quân ở giải đấu châu lục khi đó đã giúp các cầu thủ trẻ xứ sở Chùa Vàng góp mặt ở World Cup U17 một năm sau đó.
Tuy nhiên 1 năm sau đó, U17 Thái Lan cũng đã phải "lấm lưng trắng bụng" rời giải sau 3 thất bại ở vòng bảng: 2-3 trước U17 Ai Cập, 0-3 trước U17 Đức và 2-6 trước U17 Chile.
Một năm sau, tại giải U16 châu Á năm 1998, U16 Thái Lan tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi đăng quang ngôi vô địch sau khi đánh bại Qatar trong trận chung kết với tỷ số 3-2 ở loạt sút luân lưu 11m (sau khi 2 đội hòa nhau 1-1 trong thời gian thi đấu chính thức). Thành tích đó giúp Thái Lan lần thứ 2 liên tiếp có mặt ở sân chơi thế giới.
Bóng đá trẻ Thái Lan cũng nhiều lần tham dự WC nhưng đều thất bại ê chề.
Dù vậy tại World Cup U17 năm 1999, mọi chuyện vẫn không có gì khá hơn với các cầu thủ trẻ xứ sở chùa Vàng. Thậm chí họ còn để thua đậm hơn lần trước: 0-4 trước U17 Mexico, 0-6 trước U17 Tây Ban Nha và 1-7 trước U17 Ghana.
Năm 1997, Malaysia là chủ nhà của VCK giải U20 thế giới. Không phải thi đấu vòng loại nhưng tại VCK, chủ nhà U20 Malaysia cũng không thể hiện được gì nhiều khi để thua cả 3 trận: 1-3 trước U20 Morocco, 1-3 trước U20 Urugoay, 0-3 trước U20 Bỉ và sớm chia tay giải khi đứng đội sổ bảng A.
Gần đây nhất tại VCK giải U19 châu Á 2014 diễn ra trên sân nhà, U19 Myanmar đã gây chấn động làng bóng đá châu lục. Sau khi vượt qua vòng bảng với vị trí thứ 2 ở bảng A (sau U19 Thái Lan), U19 Myanmar đã gây sốc khi đánh bại 1 đội bóng mạnh của châu Á là U19 UAE với tỷ số 1-0.
Chiến thắng này đã giúp U19 Myanmar lọt vào bán kết, kèm theo tấm vé tham dự World Cup U20 năm 2015.
Tuy nhiên, cũng giống như các đội bóng Đông Nam Á khác, U20 Myanmar cũng không để lại ấn tượng gì nhiều ở sân chơi số 1 thế giới giành cho lứa tuổi U20.
Trong 3 trận vòng bảng, U20 Myanmar để thua cả 3 trận: 1-2 trước U20 Mỹ, 0-6 trước U20 Ukraina, 1-5 trước U20 New Zealand và nói lời chia tay giải mà không giành được 1 điểm nào.
Mong rằng U19 Việt Nam sẽ được đầu tư, cho rèn luyện hợp lý, để tạo nên kì tích tại World Cup như các đàn anh ở ĐT Futsal vừa rồi.
Năm nay, U19 Việt Nam đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên giành quyền góp mặt ở Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, ngay sau niềm vui được góp mặt ở VCK World Cup U20 sắp tới, chúng ta nên nghĩ tới việc lên kế hoạch đầu tư như thế nào, đề ra lộ trình tiếp theo ra làm sao cho lứa cầu thủ U19 hiện nay.
Để họ có thể thi đấu ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu thế giới ở VCK World Cup U20 sang năm, giống như những gì mà đội tuyển futsal Việt Nam đã làm được ở World Cup Futsal 2016 vừa qua.
Bằng không, chúng ta sẽ lại chỉ tham dự World Cup cho "đủ tụ" mà thôi, giống như những gì mà các quốc gia Đông Nam Á khác.
5 Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ 5 có một đội tuyển trẻ được góp mặt tại một kỳ World Cup, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar.
theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét