Các nhóm quân sự đã tiến hành đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7, dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở nước này.
Cảnh loạn lạc trong đêm đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ : Vụ đảo chính diễn ra vào khoảng lúc 22h giờ địa phương khi quân đội bắt đầu chặn dòng người đi lại ở hai cầu chính ở Isntabull và tình trạng hỗn loạn vẫn đang diễn ra.
Vụ đảo chính diễn ra vào khoảng lúc 22h giờ địa phương khi quân đội bắt đầu chặn dòng người đi lại ở hai cầu chính ở Istanbul nối liền phần châu Âu và châu Á của thành phố.
Fox News đưa tin trực thăng quân đội đã nã đạn vào toà nghị viện nước này.
Theo New York Times, đã có một loạt súng nổ ở vài căn cứ quân đội tại thủ đô Ankara và quảng trường Taksim ở trung tâm của Istanbul. Quân đội đã xuất hiện ở sân bay chính của Istanbul. Nhiều chuyến bay đã bị huỷ.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác tại quảng trường Taksim ở Istanbul sáng sớm 16/7. Ảnh: RT
Lực lượng đảo chính chiếm xe tăng
Ở các con phố ở Beyoglu, tại các quận thuộc châu Âu, các quán bar và nhà hàng chiếu cảnh tượng quân đội chiếm cầu, cùng lúc những người đang đi chơi thì dán mắt vào điện thoại di động tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.
“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn của đất nước với mục đích thiết lập lại trật tự Hiến pháp, dân chủ, quyền con người và tự do. Quân đội sẽ đảm bảo quyền pháp trị lại được tiếp tục, ổn định lại trật tự đã bị hỗn loạn,” tuyên bố của quân đội nói.
“Tất cả các thoả ước quốc tế và các cam kết đều được duy trì. Chúng tôi hy vọng mối quan hệ tốt của chúng tôi với tất cả các nước sẽ vẫn được tiếp tục,” tuyên bố nói.
Một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters nhóm quân đội định đảo chính đã kiểm soát được một số xe tăng và yêu cầu quân đội chiếm đường phố. Nhưng theo ông này tình trạng chưa diễn ra rộng khắp dù ông thừa nhận bất ổn có thể kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn nữa.
“Một số người hành động phi pháp ngoài thẩm quyền của họ,” Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố trên đài tư nhân NTV. “Chính phủ dân sự vẫn đang nắm quyền. Chính quyền sẽ chỉ ra đi nếu người dân yêu cầu.”
Ngay sau khi ông Yildirim tuyên bố, các nhóm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố và nói họ đã nắm được quyền kiểm soát đất nước.
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố, đẩy một trong những thành viên NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng – giữa lúc chính khu vực Trung Đông quanh đó cũng đang trong giai đoạn rất bất ổn.
Quân đội Mỹ có khoảng 2.200 lính và nhân viên dân sự triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. 1.500 trong số đó là ở căn cứ không quân Incirlik ở phía Nam nằm gần biên giới với Syria.
Tổng thống dùng iPhone phát đi thông điệp chống lại đảo chính
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đã nắm quyền hơn 10 năm qua, đã buộc phải dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính.
“Không có quyền lực nào cao hơn quyền nhân dân,” ông nói. “Hãy cứ để chúng làm gì chúng muốn ở các quảng trường và sân bay.”
Tổng thống Recep Tayyip Erdoga dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính. Ảnh chụp màn hình: Sky News
Tình trạng hỗn loạn vẫn đang diễn ra và các thông tin đang lẫn lộn về chuyện ai đang thật sự nắm quyền. Và cũng không ai biết ông Erdogan đang ở đâu.
Hiện cũng chưa rõ lực lượng đảo chính đã nắm được tới đâu lãnh thổ nước này, cũng như chưa xác minh được ai là người cầm đầu lực lượng đảo chính.
Thông tin chính xác về thương vong hay đụng độ liên quan tới cuộc đảo chính cũng không rõ ràng.
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố ở nước này. Lực lượng vũ trang có mặt dày đặc trên các tuyến phố. Ảnh: AP
Trong 50 năm qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất đã 3 lần tìm cách tiến hành đảo chính. Hãng thông tấn quốc gia Anadolu nói tại các trụ sở quân đội đã có các con tin bị bắt.
Theo New York Times, có cả tư lệnh quân đội nằm trong nhóm bị bắt này.
Mâu thuẫn với giáo sĩ quyền lực
Tổng thống Erdogan chỉ trích cuộc đảo chính là do những người theo giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống ở Pennsylvania (Mỹ) và từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan.
Trong nhiều năm trời, những người thân ông Gulen đã chiếm các vị trí chi phối trong lực lượng cảnh sát và tư pháp nước này.
Nhưng hai người xảy ra mâu thuẫn kịch liệt vào năm 2013 liên quan tới vụ điều tra tham nhũng nhắm vào Erdogan và một loạt lực lượng thân hữu.
Sau khi ông Gulen rời đi, phe Erdogan tìm cách loại trừ những nhân vật thân cận Gulen, thậm chí tìm cách gán cho Gulen là lãnh đạo nhóm tổ chức khủng bố quốc tế và tìm cách dẫn độ ông này về từ Mỹ.
Ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng khắp của nhiều giới trong những năm đầu cầm quyền của mình, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa tự do muốn cải cách kinh tế và gạt ảnh hưởng của quân đội ra khỏi chính trị.
Nhưng trong những năm gần đây, ông đã khiến nhiều nhóm ở Thổ thất vọng với đường lối ngày càng độc quyền, trấn áp quyền tự do ngôn luận, áp đặt tôn giáo trong đời sống hàng ngày và bắt đầu lại cuộc chiến với lực lượng người Thổ ở Đông Nam nước này.
Kể từ khi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại thành lập năm 1923, quân đội đã tiến hành đảo chính trong các năm 1960, 1971 và 1980. Quân đội nước này can thiệp vào chính trường một lần nữa vào năm 1997.
Quân đội Thổ từ lâu coi mình là người bảo hộ cho nền chính trị thế tục của nước này. Trong những năm gần đây, một loạt vụ xử nhắm vào lực lượng quân đội đã đẩy lực lượng này phải co cụm hơn và không còn ảnh hưởng như trước.
Đăng nhận xét