Sợ trách nhiệm đã trở thành vấn nạn, gây nhức nhối trong dư luận. Khi có sự cố xảy ra là lập tức đổ thừa, chối bỏ, phủ nhận, khăng khăng phần đúng thuộc về mình. Và không ít người dân đã trở thành nạn nhân của căn bệnh trầm kha này.
Mạng xã hội cũng như truyền thông trong nước đang nóng rực với sự kiện gây phẫn nộ dư luận, đó là việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương cản trở xe cứu thương không cho xe ra khỏi bệnh viện, khiến bé 9 tháng tuổi đã trút hơi thở khi chưa kịp về đến nhà.
Sau khi truyền thông đăng tải clip, lập tức lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương – bà Lê Minh Hương -Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định rằng, không có chuyện bảo vệ của bệnh viện ngăn cản xe cứu thương, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân như đang lan truyền trên mạng. Bà cho rằng những lời nói dọa dẫm, mạt sát, xưng hô mày, tao của nhân viên bản vệ chỉ là trong lúc hai bên trao đổi thông tin với nhau, việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chưa phù hợp.
Ông Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng “vòng vo” khi báo chí chất vấn, nhằm bác bỏ hành vi của bảo vệ bệnh viện mà dư luận lên án là vô nhân đạo, là đồng tiền đã làm lu mờ lương tâm những bảo vệ này.
Ngay lập tức, một clip ghi lại khá đầy đủ sự việc được tung lên mạng, thấy rõ sự hung hăng, côn đồ từ lời nói đến hành vi của nhân viên bảo vệ. Thấy rõ giọt nước mắt của người mẹ, nỗi đau khổ đến tuyệt vọng của gia đình cháu bé xấu số. Thấy rõ sự phẫn uất của thân nhân bệnh nhi có mặt tại nơi xảy ra sự việc.
Chủ nhân của clip này chia xẻ, anh đã quyết định “tung” lên mạng vì thấy lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đang né tránh một sự thật, một hành vi mất hết lương tâm của những người bảo vệ. Trước tình hình đó, ngày 6/7, Bộ Y tế có văn bản gửi Bệnh viện Nhi Trung ương, đề nghị làm rõ thông tin báo chí nêu.
Chỉ một ngày sau thôi (ngày 7/7), bà Lê Minh Hương chia xẻ với báo giới với với một tâm trạng đau xót, đầy trách nhiệm của “lương y kiêm từ mẫu” rằng: “Bản thân tôi xem clip cũng thấy đau buồn, xấu hổ về hành vi ứng xử vô văn hóa của người bảo vệ với người nhà bệnh nhân, lái xe…”
Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương đã cản trở xe cứu thương không cho xe ra khỏi bệnh viện
Sau khi có “trát” từ Bộ xuống, bà Lê Minh Hương đã “bất nhất” với chính mình. Với tư cách là Phó Giám đốc bệnh viện, với trách nhiệm với người bệnh, bà Hương cần phải tìm hiểu kỹ vụ việc để có kết luận chính xác.
Có lẽ, bà Hương sợ hành vi của nhân viên bảo vệ làm xấu hình ảnh của bệnh viện, sợ trách nhiệm cao nhất của lãnh đạo bệnh viện…nên bà đã vội vàng đưa ra kết luận là không có chuyện bảo vệ chặn xe cứu thương. Hôm trước thì bà Hương bảo là nhân viên bảo vệ sử dụng ngôn ngữ chưa phù hợp, hôm sau bà bảo là vô văn hóa?
Chính vì sự chối bỏ trách nhiệm vội vàng của bà Lê Minh Hương đã buộc chủ nhân clip thứ hai xuất hiện, buộc bà Hương cũng như lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương phải nhìn thẳng vào một sự thật đang gây khó cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa về tuyến trên điều trị.
Trên facebook Bộ trưởng Bộ Y tế, trong status “bệnh viện Nhi Trung ương nói gì về thông tin phản ảnh bảo vệ chẵn xe cứu thương”. Một bạn đọc có commemt :
“Con tôi nằm viện ba tháng ở đây, nên tôi không thấy làm lạ chuyện này. Viện Nhi có đội bảo kê, cò xe chuyên nghiệp. Xe cấp cứu ngoại tỉnh đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu thì được, sau đó về thẳng. Nhưng xe không mà vào chở bệnh nhân thì khó lắm. Vì người nhà và bệnh nhân muốn lợi dụng chiều về của xe cấp cứu ở địa phương nơi mình ở sẽ rẻ hơn nhiều. Khi ốm đau tiết kiệm từng xuất cơm, chứ chưa nói đến tiền trăm, tiền triệu. Nỗi đau nhân lên nhiều lần lắm, thưa bà Bộ trưởng”
“Cò” bệnh viện bắt tay với nhân viên bảo vệ thì người nhà bệnh nhân rõ như lòng bàn tay, trong khi lãnh đạo bệnh viện lại dường như…không rõ, không biết, không hay. Là sao?
Rõ là, bệnh viện đã khoán trắng cho công ty bảo vệ, nên những nhân viên bảo vệ mới lộng quyền, làm mưa, làm gió, bắt chẹt người bệnh đủ đường.
Từ câu chuyện “hôm trước nói đúng, hôm sau nhận sai” của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, trước một sự việc hết sức nhỏ, chỉ liên quan đến lực lượng bảo vệ…cho thấy bệnh sợ trách nhiệm nó không còn là của riêng cá nhân nào nữa. Nó trở thành căn bệnh “lây” ở nhiều lãnh đạo có chức có quyền.
Sợ trách nhiệm đã trở thành vấn nạn, gây nhức nhối trong dư luận. Khi có sự cố xảy ra là lập tức đổ thừa, chối bỏ, phủ nhận, khăng khăng phần đúng thuộc về mình. Và không ít người dân đã trở thành nạn nhân của căn bệnh trầm kha này, khi gặp phải những người sợ trách nhiệm nhưng lại ở thế dùng quyền lực để “cả vú lấp miệng”.
Ông Trần Trọng Dực- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TP Hà Nội đã thẳng thắn phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16 rằng: Bệnh thành tích, sợ khuyết điểm diễn ra phổ biến.
Vậy liều thuốc đặc trị nào để chữa căn bệnh này? Câu trả lời chỉ có những người ăn lương từ thuế dân đóng mới là chính xác.
Đăng nhận xét