Manila thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài về yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông đồng thời khẳng định nêu vấn đề trong hội nghị thượng đỉnh sắp khai mạc.
AFP dẫn thông tin từ chính phủ Philippines cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay sẽ nêu vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM), dự kiến khai mạc ngày 15/7, nhằm làm nổi bật “sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết của PCA với tất cả các bên”.
Đây sẽ là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Philippines kể từ sau khi PCA ra phán quyết hoàn toàn có loại cho Manila trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hôm 12/7. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố phớt lờ phán quyết và tiếp tục bác thẩm quyền xét xử vụ kiện của PCA vì cho rằng tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp chủ quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay. Ảnh: AFP
Ông Yasay sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Philippines tham dự ASEM tại Mông Cổ, nơi Thủ tướng Lý Khắc Cường dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự. Vấn đề tuân thủ phán quyết của PCA cũng như cách tiếp cận vấn đề hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, sẽ là trọng tâm nghị sự của Manila.
Hôm 13/7, Trung Quốc đưa ra viễn cảnh những cuộc đối đầu trên biển, đe dọa thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nơi phi cơ quân sự và dân sự phải hoạt động theo sự sắp đặt của Bắc Kinh. Ngày 11/7, Bắc Kinh cũng tuyên bố tranh chấp trên biển không nên được đưa vào chương trình nghị sự ASEM và cho rằng diễn đàn này không phù hợp vấn vấn đề Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ “thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh”.
Đăng nhận xét