Đêm đến người ta thấy những tiếng lảm nhảm, không tròn vành rõ chữ ở ngôi nhà xảy ra thảm án năm xưa. Người yếu bóng vía bảo đó là linh hồn của người anh trai chết oan khuất hiện về. Nhưng những người bình tĩnh đều biết đó là “kẻ ăn thịt người”.
Ngôi nhà nơi Nhật ở
Tính cách trái ngược
Kể về hai người em trai bất hạnh, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, từ nhỏ tính nết của Tai và Nhật đã trái ngược nhau hoàn toàn. Trong khi Nhật hiền lành, ít nói thì người anh trai lại tỏ ra cục tính, bỗ bã, không biết phải trái trước sau.
Bà Hoa nói: “Lúc nhỏ Tai hay mạt sát Nhật, đến khi hai đứa trưởng thành, lấy vợ, cũng vì chuyện đất cát, trách nhiệm với mẹ già mà anh em không được hòa thuận lắm.
Bị anh trai chèn ép trong một thời gian dài nhưng Nhật vẫn nhẫn nại, nhường nhịn anh và chị dâu.
Ngay như sau này, Nhật như bị “trời đày” giở những trò quái gở đến điên loạn như truy sát vợ mình, nhưng lại tuyệt đối không làm những chuyện như vậy với chú Tai, dù hai anh em ở kế bên nhà nhau.
Cả một thời gian dài như vậy nên khi mọi người báo tin Nhật giết hại chú Tai, tôi còn không tin”.
Nếu Nhật bị bệnh tật hành hạ trở thành nỗi ám ảnh của vợ con, thì ông Tai cũng có cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Bà Hoa giải thích, có hai nguyên nhân dẫn tới sự việc trên, đó là do tính cách của em trai bà vốn có nhiều khiếm khuyết nhưng lại không chịu sửa tính đổi nết.
Sau này, ông Tai lại có thêm tật nghiện rượu. Chính vì vậy, hai vợ chồng Tai sống với nhau được hơn 10 năm, có chung 1 cậu con trai thì đường ai ấy đi.
Di ảnh nạn nhân
Từ khi vợ bỏ đi, không còn ai can ngăn nên ông Tai càng trở nên bê tha hơn trước. Sau đó, ông Tai bỏ lại mẹ già, lên Tây Ninh nơi người chị gái lấy chồng.
Bà Hoa đã dựng cho em trai một căn nhà nhỏ ngay trong góc vườn của nhà mình. Ban ngày ông Tai đi làm mướn cho những người dân địa phương, ai thuê gì thì làm đấy.
Về phần của Nhật, sau khi vợ con “mất tích”, bà Hoa đã khuyên Nhật chuyển về sống với mẹ, đỡ đần cụ bà những lúc đau yếu. Tới khi cụ mất, Nhật cũng lên Tân Hội để gần chị, gần anh.
Giết hại anh trai như thịt một con heo
Người dân địa phương biết được tính khí thất thường của Nhật nên không ai chọc tức gã. Chỉ có duy nhất người anh trai vẫn quen thói chèn ép em từ trước đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo từ mọi người.
Vụ trọng án xảy ra vào chiều 6/12/2006. Ông Nguyễn Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, khoảng 2h chiều hôm ấy, ông Tai đi nhậu ở ngoài quán về nhưng rượu chưa đủ, khiến ông thòm thèm không ngủ được.
Ông dậy đi sang nhà em trai.
Nhật cũng hay rượu chè, vì vậy thỉnh thoảng hai anh em ông hay “chén tạc chén thù”. Nhật nuôi rất nhiều gà, ông Tai bảo em trai làm thịt một con, sau đó hai anh em ngồi nhậu dưới gốc điều.
Đến khi mồi hết, Nhật đi bắt thêm một con gà nữa để thịt, còn ông Tai thì leo lên chiếc chõng ngay bên cạnh giếng nước nằm ngủ.
Lúc Nhật đang làm lông gà thì ông Tai tỉnh dậy. Ông Tai bảo Nhật, để con gà đó đi đun nước pha trà. Nhật đã cãi lại: “Ông không có tay sao, nếu khát thì tự đi lấy nước mà uống, đừng có sai người khác”.
Nghe vậy, từ trên chõng, ông Tai lao xuống tát vào mặt đứa em. Nhật đang làm gà bị cái tát như trời giáng, gã ngã dúi đầu xuống.
Gã không phản kháng, cứ lầm lì làm tiếp việc của mình. Ông Tai vừa văng tục, vừa tìm đóm để nhóm lửa đun nước.
Lúc ông Tai đang cúi xuống thổi lửa thì lĩnh chọn nhát dao của Nhật vào cổ. Sau đó gã thản nhiên xả xác anh trai ra làm nhiều phần.
Bà Hoa bảo, chiều ấy bà thấy trong người nôn nao khác thường, linh tính mách bảo bà có chuyện gì không hay đã xảy ra. Bà sang nhà ông Tai, nhưng không thấy em đâu.
Bà nghĩ có thể ông Tai ở bên nhà Nhật, hai anh em ông này vốn không hợp nhau, thường thì chỉ gặp nhau một lúc họ chửi, đánh nhau, nhưng hôm nay lại yên ắng khác thường.
Đã 3 lần bà Hoa bước tới gần nhà Nhật, nhưng lại có người ở nhà gọi trở về.
Đến 5h chiều hôm đó, vợ chồng một người hàng xóm đi vào thăm rẫy và bủn rủn tay chân khi chứng kiến cảnh Nhật chặt xác ông Tai. Thấy họ, Nhật vui vẻ chỉ vào xác nạn nhân bảo: “Thịt heo ngon lắm, lấy một ít về mà nhậu”.
Ông Tai được người thân chắp vá lại hình hài và lo mai táng, còn hung thủ bị bắt ngay trong ngày hôm ấy. Tại cơ quan điều tra, Nhật không nhớ những hành động man rợ mình đã làm, gã bảo: “Đang làm thịt một con heo thì mọi người tới”. Cũng chính bởi điều này, Nhật được người dân đặt cho biệt danh rùng rợn: “Kẻ ăn thịt người”.
Nỗi ám ảnh chưa chấm dứt
Bà Hoa cho hay, do Nhật thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần nên không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Vì vậy, sau 16 tháng bị bắt, Nhật được trả về địa phương. Trong thời gian tạm giam, Nhật được cho đi điều trị ở bệnh viện tâm thần nên trí ổn định.
Nhưng về nhà được một thời gian ngắn, bệnh tình của Nhật tái phát trở lại. Bà Hoa lý giải, do điều kiện của gia đình bà khi đó cũng khó khăn, chuyện đưa Nhật đi bệnh viện tâm thần là nằm ngoài khả năng của gia đình.
Việc mua thuốc cho gã uống cũng bữa có bữa không. Lúc đó, các thành viên trong gia đình luôn sống trong tâm trạng bất an, bất kỳ một biểu hiện khác thường của Nhật đều khiến mọi người lo sợ.
Từ khi phát bệnh trở lại, Nhật trở nên lập dị hơn. Cả ngày gã lảm nhảm, nói chuyện một mình. Đêm tối Nhật ra ngôi chòi cũ nằm rồi hò hét cả đêm.
Nhật không ăn cơm, gã bắt thằn lằn, cóc nhái cho vào cặp lồng ướp muối để ăn dần. Nhật lấy cây trúc, chế cho mình một chiếc nỏ, luôn đeo bên người.
Nhà bà Hoa lúc đó tường bằng đất, đêm đến Nhật dùng nỏ bắn tên vào nhà, mấy mẹ con bà phải chui xuống gầm giường để tránh. Có lần, Nhật còn dắt đứa cháu nội của bà sang cái chòi đã “sát hại” ông Tai mấy năm trước.
Khi cả gia đình nháo nhác đi tìm thì thấy Nhật đang tắm rửa cho cháu bé, mọi người được phen hoảng hồn. Không chịu nổi cuộc sống bất an như thế nữa, gia đình bà Hoa đành phải bỏ lại ngôi nhà, vườn tược cho Nhật.
Bà đưa các con về Trảng Bàng (Tây Ninh) làm mướn sống qua ngày.
Ông Nguyễn Văn Tây, phó ấp Hội Thạnh, nơi xảy ra sự việc trên nhớ lại, ngày ấy cứ 5h chiều là các gia đình trong ấp đã đóng kín cửa. Những khu rẫy gần nơi Nhật ở đều bị bỏ hoang.
Nhất là sau khi gia đình bà Hoa bỏ đi, Nhật còn gây nhũng nhiễu những người hàng xóm.
Ông Nguyễn Văn Tây, phó ấp Hội Thạnh, nơi xảy ra vụ giết người
Gã tự nhận đất ở ấp này đều là của mình cả. Nhật chặt điều, phá sắn, chặt cây cao su trong rẫy của mọi người. Không một ai dám gây hấn với “kẻ ăn thịt người”.
Khổ nhất là mấy cửa hàng tạp hóa, bị Nhật ăn vạ vẫn phải tươi cười “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngôi nhà của người chị gái để lại gã không ở, Nhật tìm ra khu chòi ngày trước. Vợ chồng chủ đất cũng bị Nhật đuổi chém một vài lần vì dám di dời chòi của gã.
Nhật ít xuất hiện trước mọi người, gã cứ “thoắt ẩn thoát hiện” khiến cho mọi người càng hoang mang hơn.
Sau mấy năm bỏ nhà đi, gia đình bà Hoa đã trở lại địa phương, gom góp được ít tiền bà đã đưa Nhật vào bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai). Nhưng sau 5 tháng ở viện, Nhật đã trốn về.
Cách đây gần 1 năm, Nhật bỗng dưng biến mất khỏi địa phương. Không ai biết Nhật đã đi đâu.
Ông Nguyễn Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Hội trao đổi về giải pháp quản lý Nhật
Thi thoảng người dân trong xóm đi làm rẫy lại thấy có bóng người vụt trong bụi cây, đêm đến người ta thấy những tiếng lảm nhảm, không tròn vành rõ chữ phát ra ở khu ngôi nhà xảy ra thảm án năm xưa. Mọi người tìm đến, nhưng đêm hôm sau, không gian lại tĩnh mịch trở lại.
Sự việc như vậy thỉnh thoảng tái diễn. Người yếu bóng vía, bảo đó là linh hồn của người anh trai, chết oan khuất hiện về. Nhưng những người khác thì cho rằng đó là Nhật.
Đăng nhận xét