Ngày 30/7 hàng năm đã chính thức được Chính phủ Việt Nam chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người bắt đầu từ năm 2016.
Lực lượng chức năng Lai Châu bắt giữ đối tượng Lò Thị Chom chuyên đưa người qua biên giới. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Ngày 30/7 hàng năm chính thức được Việt Nam chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người bắt đầu từ năm 2016.
Thông tin trên được khẳng định tại Lễ công bố “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” do Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức ngày 14/7, tại Hà Nội.
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết tình hình hoạt động tội phạm mua bán người hiện nay diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh; hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực.
Để khắc phục tình trạng trên và thể hiện cam kết, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh mua bán người là một tội ác chống lại loài người vì nó vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và đang diễn ra ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Liên hợp quốc cam kết luôn đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế, sự hợp tác giữa các Chính phủ để giải quyết vấn nạn này.
Tại Việt Nam, năm 2016 là năm đầu tiên tổ chức hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.”
Trước đó, ngày 3/6/2016, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 161/BCĐ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện, trong đó, tập trung vào các hoạt động chính là tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.
Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” rộng khắp, thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới cộng đồng người Việt Nam nước sở tại về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.” Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” vào thứ 7, ngày 30/7/2016, tại tỉnh Lào Cai.
Cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục duy trì và xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người…; tăng thời lượng, tần suất thông tin về phòng, chống mua bán người thường xuyên, liên tục…
Ngày 14/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (nay là Chương trình phòng, chống mua bán người, gọi tắt là Chương trình 130/CP). Nhìn lại 12 năm thực hiện, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, nghiêm túc triển khai thực hiện.
Qua đó, đã thu được những kết quả nổi bật: Phê duyệt và tổ chức triển khai Luật phòng, chống mua bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2011 và năm 2015 phần liên quan tội phạm mua bán người; phê duyệt Chương trình quốc gia giai đoạn 2004-2010, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; ban hành trên 30 văn bản hướng dẫn thực hiện.
Riêng giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân. Hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, khẳng định và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm, hiệu quả các cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phòng, chống mua bán người. Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp tại cộng đồng đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong xã hội.
Đăng nhận xét