Ads (728x90)

“Nhiều lúc ở một mình, tôi bật khóc mà không có lý do, tôi mất ngủ triền miên. Những hình ảnh về vụ tai nạn bất chợt trở về trong tâm trí dù ngày hay đêm”, người lái tàu kể.

Trầm cảm và rối loạn tâm thần

Tai nạn đã qua đi rất lâu nhưng ám ảnh thì còn lại mãi với những người ngồi sau tay lái.

Có những người phải tìm đến chuyên gia tâm lý để ổn định tinh thần, có người phải bỏ nghề vì mỗi lần ngồi vào khoang lái lại nghĩ đến tai nạn đã xảy ra. Nghề lái tàu hỏa không “màu hồng” như nhiều người vẫn nghĩ.

Peter Smith, một người lái tàu đã nghỉ hưu, cho biết khi mới bước chân vào nghề, ông không hề được cảnh báo về những nỗi kinh hoàng có thể gặp phải trên đường ray. “Chúng tôi như bị ném vào giữa bầy sói”, anh so sánh.

Sau 40 năm cầm lái, Smith cho rằng ông cũng là nạn nhân của những vụ tai nạn do chính mình cầm lái.

Vụ tai nạn đầu tiên, con tàu ông lái đâm và giết chết một người mà đến tận ngày hôm sau ông mới biết tin. Ông không nhìn thấy nạn nhân mà chỉ được nghe kể lại vụ việc.

Cái chết thứ hai dưới con tàu ông lái xảy ra vào năm thứ 3 kể từ khi ông vào nghề. Sau tai nạn ông vẫn phải đi làm. Không một lời hỏi han, vào thời điểm đó, người lái tàu bất đắc dĩ xin nghỉ phép thì chỉ được thanh toán 80% tiền lương.

“Đó giống như một sự trừng phạt cho những gì đã xảy ra. Không có lời động viên, cũng không có thời gian nghỉ ngơi lấy lại tinh thần”, ông Smith nói.

Am anh dang so cua nguoi lai tau hoa sau tai nan - Anh 1

Người lái tàu phải sống với những ký ức kinh hoàng sau các vụ tai nạn

Trong suốt sự nghiệp của mình, Smith đã ngồi sau tay lái của 3 vụ tai nạn gây chết người và một vụ tai nại khiến một người phụ nữ mất cả hai chân.

Ông bố 5 con đã ly dị vợ tỏ ra kiên cường hơn những người khác nhưng ông chia sẻ rằng vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của một cậu bé 17 tuổi vẫn luôn ám ảnh ông.

“Thỉnh thoảng những ký ức đó lại quay lại với tôi. Chúng vẫn luôn quanh quẩn bên tôi. Tôi nghĩ là tôi có thể quên chúng nhưng những thứ khiến tôi nhớ lại vụ tai nạn đó vẫn luôn hiện hữu”, ông chia sẻ.

Một nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng có tới 16% những người lái tàu từng trải qua tai nạn bị rối loạn tâm lý, hơn 30% gặp các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả trầm cảm và rối loạn lo âu.

Trung tâm sức khỏe tâm thần sau chấn thương, ĐH Melbourne, Úc chỉ ra rằng những người lái tàu cần có thời gian nghỉ ngơi lấy lại tinh thần sau tai nạn nhiều gấp đôi các loại tai nạn khác, khoảng 1 năm tính từ khi sự cố xảy ra.

5 người lái tàu kỳ cựu - những người gặp sang chấn tâm lý vì tai nạn đường sắt cho biết ngày mới vào nghề họ không hề được cảnh báo về tần số các vụ tai nạn hay những cái chết mà chiếc tàu gây ra.

Các chuyên gia tâm thần học cho rằng nếu những người lái tàu được chuẩn bị sẵn tư tưởng cho những trường hợp xấu có thể xảy ra thì họ sẽ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường hơn. “Lúc đó họ có thể làm chủ tình huống và biết phải làm gì khi sự cố xảy ra”, chuyên gia của ĐH Melbourne nói.

Người lái tàu kỳ cựu Michael Hinch cho biết cái chết cận kề đường ray mỗi ngày. Ông chứng kiến cái chết đầu tiên năm 17 tuổi khi ông đang là thực tập sinh lái tàu. Hơn 3 thập kỷ qua ông đã ngồi sau tay lái của 5 cái chết và 17 vụ tai nạn lớn.

Trong các bản báo cáo về các vụ tai nạn đã trải qua, ông không bao giờ kể về vụ tai nạn đầu tiên hay nhắc về cảnh tượng người lái chính hét lên “đèn đỏ, đèn đỏ” - chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp - trong khi con tàu vẫn lao vun vút về phía người đàn ông trên đường ray năm 1976.

Một ngày ông lái xe qua địa điểm xảy ra vụ tai nạn năm xưa. Ông nhìn qua cửa kính xe và thấy mình đang trên con tàu 33 năm trước, và người đàn ông trong vụ tai nạn năm trước lại một lần nữa chết trước mặt ông.

“Những ký ức ùa về và tôi cảm giác như mình đang xem lại vụ tai nạn qua tivi vậy”, ông kể.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là phản ứng bình thường với những sự kiện đau buồn họ đã trải qua, nó giống như một cơn ác mộng bủa vây lấy họ.

Am anh dang so cua nguoi lai tau hoa sau tai nan - Anh 2

Nhiều người phải tìm đến chuyên gia tâm lý để ổn định tinh thần sau khi cầm lái con tàu gây tai nạn.

Bỏ việc vì ám ảnh sau tai nạn

Nik Douglas, một trong những người lái tàu phải bỏ việc vì ám ảnh sau tai nạn, đã đấu tranh đòi bồi thường sang chấn tâm lý cho những người ngồi sau tay lái.

Vụ tai nạn khiến Douglas ám ảnh xảy ra năm ông 37 tuổi khi ông đang điều khiển con tàu đến Newcastle thì thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi trên đường ray. Ông nhìn sang đường ray bên cạnh định chuyển hướng con tàu, khi nhìn lại thì người đàn ông đã nằm dưới con tàu.

“Tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng trước vụ va chạm. Con tàu đang đi với vận tốc 200 km/h vì ga đó không nằm trong lịch dừng”, Douglas kể.

Ông kéo phanh gấp trong hoảng loạn như đang phanh một chiếc xe hơi nhưng vô ích. “Tôi đã cố gắng dừng con tàu một cách nhanh nhất nhưng chẳng ích gì”, anh nói.

Ông phải nghỉ làm 6 tháng sau đó vì căng thẳng. “Nhiều lúc ở một mình, tôi bật khóc mà không có lý do, tôi mất ngủ triền miên. Những hình ảnh về vụ tai nạn bất chợt trở về trong tâm trí dù ngày hay đêm. Đang tham gia tiệc tùng, đầy người xung quanh nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Cảm giác cô đơn chính là vấn đề lớn nhất tôi gặp phải khi đó”, Douglas kể.

Ông đã trải qua hai đợt điều trị với bác sĩ tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm để hồi phục lại tinh thần.

“Vụ tai nạn đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi, rằng tôi sẽ trở thành ai, như thế nào. Vợ tôi còn khó hình dung về sự thay đổi ấy. Có thể với một số người là bình thường, nhưng với tôi, tôi vẫn chưa thể trở lại là chính mình dù vụ tai nạn đã qua 2 năm”.

Douglas từng cố quay lại công việc sau 3 tháng xảy ra vụ tai nạn nhưng sớm nhận ra mình chưa sẵn sàng cầm lái lại. “Khi tôi lái con tàu qua địa điểm xảy ra vụ tai nạn, chân tay tôi vẫn bủn rủn. Tôi đã phải đề nghị sếp cho mình chuyển lái sang con tàu ngược lại để trở về ga cũ”, ông kể.

Lần thứ 2 trở lại công việc, ông lại tiếp tục bị “dọa tinh thần” khi suýt đâm phải một cô gái. “Cô gái đi qua đường ray, vào phút cuối đã kịp nhảy sang đường ray khác, tôi cứ ngỡ là mình đã đâm vào cô gái rồi nhưng trung tâm điều khiển xem băng ghi hình và báo là không có va chạm xảy ra”, ông nhớ lại.

Douglas được chính phủ bồi thường 4400 bảng (khoảng 122 triệu đồng) vì sang chấn tâm lý năm 2012. Ông dường như là người cuối cùng được nhận bồi thường vì sau đó luật bồi thường thay đổi vì cho rằng đó là một phần của công việc và những người lái tàu phải làm quen với chúng.

Kim Minh (Theo Independent, Theage)

Đăng nhận xét