Phó Chủ tịch Lê Bá Trình kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng.
Cùng tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các ông: Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Phạm Văn Mợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Theo báo cáo, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật Khoa học và Công nghệ tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015 bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động trong cán bộ , đảng viên, nhất là ở các cấp lãnh đạo từ thành phố đến các quận huyện, sở, ngành về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong giai đoạn 2011-2015, Hải Phòng đã triển khai 197 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố. Ngân sách thành phố chi cho hoạt động khoa học và công nghệ tăng từ 10 - 20%/năm. Nguồn đầu tư ngoài ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ 50% cho giai đoạn 2006-2010, gần 75% giai đoạn 2011-2015.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đặt hàng, đề xuất từ thực tiễn, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, quản lý; được xác định trong khuôn khổ định hướng nội dung các Chương trình khoa học và công nghệ có mục tiêu, trọng điểm đã được thành phố phê duyệt, khắc phục một bước tình trạng xa rời thực tiễn, phân tán, dàn trải, kém hiệu quả trong nghiên cứu khoa học.
Thành phố xác định phương châm “lấy ứng dụng là chính”; ưu tiên các nhiệm vụ ứng dụng, tiếp thu đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, coi trọng công tác chuyển hóa kết quả nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Thành phố ưu tiên các dự án sản xuất thử nghiệm và xây dựng các mô hình ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm mới.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt chỉ tiêu tiêu đề ra. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố đạt 7,93 %.
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP vượt chỉ tiêu đề ra.
Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ đến năm 2015 tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Sau 3 năm, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có bước phát triển đáng kể. Đến tháng 6/2015, thành phố có 4.900 cán bộ khoa học và công nghệ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức khoa học và công nghệ. Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của thành phố đạt 9 người/1 vạn dân.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình làm việc tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận tại hội nghị, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hải Phòng trong công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật Khoa học và Công nghệ của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành được triển khai đồng bộ, tích cực theo chỉ đạo của Trung ương.
Trong công tác triển khai thực hiện, Hải Phòng đã có nhiều điểm mới như thành lập sàn giao dịch Công nghệ và thiết bị; đổi mới hoạt động của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Thành phố Hải Phòng và công tác chuyển hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất …
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đề nghị, thành phố Hải Phòng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ; nghiên cứu và làm rõ các luận cứ về chuyển hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất; tăng cường tiềm lực đầu tư cho khoa học và công nghệ để phát triển thành phố thông minh.
Đồng thời, tổng kết Nghị quyết số 08-NQ/TU nhằm đánh giá một cách cụ thể kết quả thực hiện để tìm ra giải pháp để thành phố Hải Phòng là Trung tâm phát triển khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Trước đó, Đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng.
Tùng Lâm
Đăng nhận xét