Thấm thoắt cũng gần mười năm, người thơ ấy lặng lẽ bỏ nhân gian này mà đi. Cuộc đời vẫn vậy. Lòng người vẫn thế. Mấy ai còn nhớ đến con người thơ lặng lẽ ấy. Ôi cái sự lặng lẽ đến khiêm nhường. Sự lặng lẽ có phần chịu thiệt thòi. Nhưng sự lặng lẽ đã làm nên một phong cách, một giọng điệu thơ rất riêng của Trần Quốc Thực...
Trần Quốc Thực là nhà thơ khiến tôi có nhiều nghĩ ngợi. Nghĩ ngợi về người. Nghĩ ngợi về nghề. Khi Trần Quốc Thực còn sống, tôi không thân với ông nhưng cũng có chút quan sát về ông. Nói về người, dường như Trần Quốc Thực là con người đầy mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn giữa người thơ và phi thơ. Nói về nghề, dường như ông là người bước đi trên ranh giới giữa cái mới và cũ. Đã có lúc ông bước chân sang bên phải nhiều hơn rồi lại giật mình đưa chân sang trái, để rồi cũng làm được điều gì đó của riêng mình. Không cực đoan bảo thủ, không quyết liệt bứt phá nhưng là người có nhiều trăn trở với nghề, mong mỏi đồng hành với tương lai. Con người đó có thể ẩu với cuộc đời mình nhưng dường như lại kỹ với con chữ. Đó là quan sát của tôi về Trần Quốc Thực, sẽ có người đồng ý và có người khó chịu phản bác.
Nhà thơ Trần Quốc Thực.
Mỗi chúng ta khi sinh ra trong cuộc đời này đều đã mang một định mệnh. Và định mệnh của Trần Quốc Thực là trở thành một thi sĩ. Không phải bất cứ ai làm thơ cũng đều là thi sĩ. Ông lặng lẽ với thơ như lặng lẽ với cuộc đời. Ông vất vả với thơ như vất vả với cuộc đời. Ông đau đớn với thơ như đau đớn với cuộc đời. Để đến được với thơ ca Trần Quốc Thực đã phải đánh đổi quá nhiều, mất mát quá nhiều, khổ cực quá nhiều. Giống như làm một phép toán, cuộc đời cho Trần Quốc Thực những câu thơ nhưng lại lấy đi của ông quá nhiều thứ. Nhưng Trần Quốc Thực chấp nhận với sự đánh đổi đó. Ông tồn tại trong cuộc đời này dưới sự dẫn dắt của thơ. Ông đi theo sự dẫn dắt đó một cách lặng lẽ và hồn nhiên.
Tâm hồn thi sĩ Trần Quốc Thực ẩn trong cái thân hình gầy gò và mong manh, một cơn gió thổi tưởng như cũng có thể làm ông ngã. Và rồi những câu thơ của ông nó cũng nhẹ nhàng, mong manh như thế. Những câu thơ bảng lảng như sương khói. Những câu thơ heo heo như gió. Những câu thơ mơ màng như nắng sang thu. Những câu thơ như dòng nước mát cứ êm trôi. Và khi nó đi qua rồi thì ta giật mình cảm thấy như bị đánh mất một điều gì đó. Con người Trần Quốc Thực bằng xương bằng thịt tồn tại trong cuộc đời này cũng như những câu thơ mà ông viết ra. Bởi chính sự lặng lẽ của ông mà chẳng mấy ai để ý lúc ông còn sống. Chỉ khi ông mất đi rồi thì họ mới giật mình rằng cuộc đời này đã mất đi một thi sĩ như thế. Ông đã đến với cuộc đời này một cách lặng lẽ, rồi lặng lẽ ra đi, như hư như thực. Để rồi những câu thơ của ông cứ gieo vào lòng người đọc một cách man mác. Trần Quốc Thực vốn là người hiền lành thủ thỉ và rồi những câu thơ của ông cũng hiền lành thủ thỉ như thế. Đến cả khi viết về nỗi đau ông cũng thủ thỉ đến trào nước mắt, đó là những câu thơ ông viết về mẹ, về chị về hai đứa con gái bé bỏng đã sớm chịu cảnh không yên ấm trong gia đình, rồi sự chia tay của bố mẹ, và cả những câu thơ ông viết cho chính mình. Những câu thơ run rẩy tinh tế.
Khi Trần Quốc Thực còn sống, tôi từng được nghe ông đọc một bài thơ, và sau ngày ông mất nhiều năm tôi tình cờ được đọc lại, đó là bài Cỏ ướt. Có lẽ đây là một trong những bài thơ hay và mang phong cách Trần Quốc Thực rất rõ. Hãy thử cùng nhau lắng lại, nhớ về con người thơ ấy một cách nhẹ nhàng, giản dị và đơn sơ nhất như chính con người ông và cùng suy tưởng, cùng“ngắm nhìn” bài thơ Cỏ ướt.
Mưa cứ như không. Trên đê
Nhìn xa, ai hay cỏ ướt
Chỉ thấy nắng lên thoa mát
Không gian, mặt cỏ, dáng mình.
Em ngắm hoài lên đê xanh
Anh ngó hoài sang con mắt
Chỉ thấy bờ mi em rung
Bấy giờ mới tin cỏ ướt.
Dường như với bài thơ này Trần Quốc Thực cũng đang đi giữa cái vạch ranh giới mà tôi đã nói ở trên. Đọc xong bài thơ Cỏ ướt, một cảm giác buồn man mác lan tỏa. Cái sự buồn man mác đó nó cũng nhẹ nhàng như mưa bụi, như nắng mới, như màu xanh mơn mởn trên bãi cỏ triền đê của mùa xuân (mưa cứ như không, nắng lên thoa mát, đê xanh). Đây là một bài thơ không có gì đặc biệt, với lời thơ tả, bốn câu thơ đầu là tả cảnh còn bốn câu thơ sau miêu tả tâm trạng của đôi trai gái. Cấu tứ bài thơ có vẻ cổ điển nhưng câu chữ, cách cấu tạo hình ảnh lại mới. Bài thơ không đặc biệt nhưng lại có sức gợi, kéo người đọc vào câu chuyện của đôi trai gái trong một không gian lãng mạn của mùa xuân. Đọc xong bài thơ, người đọc cảm thấy không yên một cách bâng khuâng vì hình như có điều gì đang xảy ra giữa đôi trai gái. Họ im lặng bên nhau, chỉ có ánh mắt và con tim là đang nói. Dường như có một chút giận hờn, dường như có một chút lỗi lầm và dường như có cả chút ăn năn. Có lẽ hai câu thơ cuối là hai câu thơ hay nhất trong bài: “Chỉ thấy bờ mi em rung/ bấy giờ mới tin cỏ ướt”. Bờ mi em rung nghĩa là bờ mi em mới chỉ đang ngấn lệ. Có một chút kìm nén trong lòng người con gái. Hình ảnh người con gái đã trở thành trung tâm trong bức tranh mùa xuân. Tâm trạng của đôi trai gái đã xâm lấn toàn bộ không khí mùa xuân. Hình ảnh đó, tâm trạng đó đã làm mờ đi bức tranh xuân, chỉ còn lại cái nhân tình. Thực ra với câu thơ “Bấy giờ mới tin cỏ ướt” thật khó để bình trúng ý tác giả, nhưng với thơ ca đâu cần phải mổ xẻ tiểu tiết và chuẩn xác theo kiểu 1+1=2. Dẫu sao thì đó là một câu thơ gợi, gieo vào lòng người đọc toàn bộ ý tứ của bài thơ. Một bài thơ đơn giản nhưng lại không bị nôm na mà trái lại khiến người đọc cảm nhận nó một cách tinh tế, nhẹ nhàng, thấm từng câu, thấm từng hình ảnh, thấm từng trạng thái cảm xúc. Liệu như vậy đã đủ gọi là bài thơ hay chưa nhỉ?
Chỉ mới đây thôi tôi tình cờ gặp con gái lớn của nhà thơ Trần Quốc Thực, cái cô bé như một sự ẩn ức, một nỗi dằn vặt trong những câu thơ của bố. Cái cô bé Yến Châu ngày nào đó giờ đây đã là người mẹ có hai con với gương mặt phúc hậu mang nhiều nét giống bố. Yến Châu tặng tôi tập thơ của nhà thơ Trần Quốc Thực có tên Cỏ ướt, do em tuyển chọn. Tôi xem đó như một cơ duyên với nhà thơ Trần Quốc Thực, với bài thơ Cỏ ướt của ông. Chính nhờ cơ duyên đó mà tôi được đọc lại thơ ông một cách đầy đủ nhất, hệ thống nhất. Càng đọc tôi càng nhớ về một nụ cười, hay một gương mặt trầm tư bên bàn nước nơi báo Văn Nghệ. Càng đọc tôi càng nhớ dáng người lặng lẽ liêu xiêu trên một hè phố nào đó. Càng đọc càng hiểu hơn về cuộc đời ông, về một thân phận thi sĩ sao mà thăng trầm đến thế. Càng đọc càng trân quý ông hơn ở tinh thần sáng tạo. Càng đọc càng thấy Trần Quốc Thực có rất nhiều những câu thơ tài hoa. Càng đọc lại càng trách giận ông với những cơn phóng túng, tiêu hoang đời mình. Và rồi, càng đọc lại càng đồng cảm, chia sẻ với nhau hơn trong cái tình nghệ sĩ.
Thấm thoắt cũng gần mười năm, người thơ ấy lặng lẽ bỏ nhân gian này mà đi. Cuộc đời vẫn vậy. Lòng người vẫn thế. Mấy ai còn nhớ đến con người thơ lặng lẽ ấy. Ôi cái sự lặng lẽ đến khiêm nhường. Sự lặng lẽ có phần chịu thiệt thòi. Nhưng sự lặng lẽ đã làm nên một phong cách, một giọng điệu thơ rất riêng của Trần Quốc Thực. Tôi tin chắc là như vậy dẫu cho dòng chảy của thi ca cứ trôi đi mà chưa định danh giá trị thơ ca của Trần Quốc Thực một cách công bằng. Nhưng tôi lại tin mọi sự hào nhoáng bề nổi rồi sẽ qua đi, mọi sự tung hô cánh hẩu rồi sẽ qua đi, không sớm thì muộn cỗ máy thời gian sẽ sàng lọc, sẽ trả những giá trị đích thực vào đúng vị trí mà nó cần phải có. Trần Quốc Thực đã bền bỉ với thơ một cách lặng lẽ nhất và rồi những câu thơ của ông cũng sẽ bền bỉ với thời gian, bền bỉ và man mác trong lòng bạn đọc. Và đấy mới chính là phần thưởng lớn lao nhất đối với một nhà thơ.
Nhà thơ ơi, phận người như cỏ ướt!
Thu Hà Nội 2016
Trần Vũ Long
Đăng nhận xét