Sếp VFF nói gì về việc báo Anh chê bóng đá Việt Nam?
Liên hệ với ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF kiêm người phát ngôn của tổ chức này, chúng tôi có luôn câu trả lời:
"Là người đã theo sát bóng đá Việt Nam trong nhiều năm, tôi không ngạc nhiên về những gì, đặc biệt do các nền bóng đá đỉnh cao nhận xét chúng ta.
Premier League là 1 trong những giải đấu thành công nhất của thế giới hiện nay. Nhận xét của họ là điều khích lệ và động lực để chúng ta có thêm những cải tiến tốt hơn trong thời gian tới".
Phó Chủ tịch VFF Lê Hoài Anh.
Kĩ hơn về bóng đá Việt Nam, trước những lời chê từ Guardian, ông Hoài Anh cho biết:
"Mỗi nền bóng đá còn phụ thuộc trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đang ở tầm trung bình khá của châu Á nên bóng đá không thể so sánh với Anh, hay các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhưng trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến bộ lớn so với trước đây. Từ hình ảnh CLB tới tổ chức trên sân đã có chú trọng, chuyên nghiệp hơn.
Các CLB cũng bắt đầu chú ý công tác đào tạo cầu thủ trẻ nên các đội tuyển trẻ cũng có kết quả khả quan ở đấu trường khu vực.
Cùng vai trò của Liên đoàn cũng như định hướng từ cơ quan nhà nước thì bóng đá Việt Nam cũng bước đầu có tích cực.
Các CLB đào tạo trẻ tốt như HAGL, Hà Nội T&T, SLNA hay VPF... một số khác cũng đang bắt đầu đào tạo.
Ông Hoài Anh khẳng định VFF đã có những bước phát triển đi lên.
Hạn chế của chúng ta là cơ sở vật chất, dù có cải thiện và đã tốt hơn. Hiện chúng ta cũng có các SVĐ tốt như Mỹ Đình, Thống Nhất, Cần Thơ, HAGL... cũng có cải thiện nhiều nhưng để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới thì còn cần nỗ lực nữa.
Liên đoàn thì chú trọng các CLB nâng cấp cơ sở vật chất để khán giả tới sân được thưởng thức bóng đá chất lượng trong môi trường đẹp".
Cuối cùng, ông Hoài Anh khẳng định nhiều CLB ở Việt Nam đang cố gắng liên kết với nước ngoài, để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Một số CLB đã có những bước đi chủ động kết hợp với các đội bóng mạnh, như HAGL, VPF... rồi Liên đoàn thì có mời chuyên gia, HLV thể lực từ Đức...
Để có tiến bộ thì cần nhiều yếu tố, từ công tác đào tạo, kĩ năng – kiến thức của chuyên gia, cơ sở vật chất và yếu tố xã hội như khán giả để tạo ra các hình ảnh đẹp hơn trên khán đài".
HLV Lê Thụy Hải cho rằng việc được báo Anh chú ý tới, dù theo hướng chưa tích cực là điều tốt.
HLV Lê Thụy Hải: Được báo Anh chú ý đến là may!
Về bài viết của Guardian, cựu GĐKT CLB Thanh Hóa cho biết:
"Theo tôi, không phải bỗng nhiên họ viết như vậy. Họ cũng có thực tế. Nhưng anh ấy (phóng viên của Guardian) phải hiểu các cầu thủ đã sang Việt Nam chơi thì đều không còn tác dụng ở các đội anh ấy nói. Vì thế mới về VN, vì khả năng chỉ thế chứ không phải vì tiền.
Tinh thần dân tộc, bao giờ anh ấy cũng thích giải của anh hơn. Nhưng bóng đá VN đúng là vậy. Họ nói thế thì ta phải chấp nhận và thay đổi. Chứ không nên vì thế mà buồn lòng, không vui.
Vấn đề bán hàng giả cần nhìn theo nền kinh tế, vì sao họ mua đồ giả vì nó rẻ. Mà ngay cả các nhà tài trợ cho bóng đá Việt Nam như Kappa, Nike... đồ trang bị cũng là hàng rất thấp, chứ không phải hạng cao. Họ cũng phải tính toán, người làm ăn thì cần tính thị trường lâu dài để phát triển chứ không phải trước mắt.
Hiện nay đồ Nike, Adidas hoặc các đội may theo hầu hết là giả, không phải xịn thì phải chấp nhận. Chúng ta còn ở 1 nước lạc hậu, chậm tiến thì phải chấp nhận.
Đồ Kappa của Hà Nội T&T hay Nike của Bình Dương rất xấu, đồ hạng mấy ấy, loại 3, 4. Các cầu thủ còn không được mặc đồ xịn. Chúng ta thừa nhận và không nên che đậy điều đó".
Cuối cùng, HLV Lê Thụy Hải gửi lời khuyên tới những người làm bóng đá tại Việt Nam:
"Vì sao họ nói đến chúng ta? U19, U16 có tiếng vang. ĐTQG mới thắng Triều Tiên, họ cũng để ý, mới đến và phán về mình. Đó là điều tích cực để vươn lên. Chúng ta không nên nhìn vào những điều tiêu cực thì chỉ đi xuống thôi.
Chúng ta cũng phải nói thật đi. Nhiều cái tại sao không dám nói thật? Chỉ thế mới đi lên được".
theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét