U19 Việt Nam vừa làm nên kỳ tích khi đánh bại Bahrain để lần đầu tiên trong lịch sử đoạt tấm vé dự VCK giải U20 Thế giới. Thành công ngoài mong đợi của thầy trò Hoàng Anh Tuấn là nhờ sự kết tinh của một tập thể luôn vào trận với sự quyết tâm cao, ý thức chiến thuật và tinh thần cực tốt.
Góc nhìn thẳng mời đến trường quay nhà báo Phan Đăng để nhìn nhận về thành công của U19 Việt Nam.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Tuấn Anh:Nhìn vào những yếu tố thể lực, kỹ chiến thuật và tinh thần thi đấu, đâu là điểm nổi trội của U19 Việt Nam so với lứa Công Phượng trước đây?
Nhà báo Phan Đăng: Xét về mặt kết cấu tổ chức, đây là hai thứ kết cấu hoàn toàn khác nhau. U19 hai năm trước của Công Phương, Xuân Trường, Tuấn Anh... lấy nòng cốt từ một đội, trẻ HAGL JMG liên kết với Arsenal. Nhưng năm nay U19 tuyển quân trên diện rộng và rất nhiều lò đào tạo trẻ góp quân vào đó (ví dụ PVF góp 5 người, Bình Dương 2 người, Thanh Hóa 2 người....). Diện tuyển chọn khác nhau nên kết cấu cũng khác nhau. Đấy là sự khác biệt đầu tiên.
Khác biệt thứ hai anh thấy, triết lý đá bóng cũng hoàn toàn khác. HAGL chịu ảnh hưởng tư tưởng bóng đá vị nghệ thuật của Arsenal. Cho nên họ đá để cống hiến, mềm mại, nhịp nhàng, với những đôi chân múa quả bóng. Nhưng với lứa U19 bây giờ không chọn kiểu đá vị nghệ thuật ấy nữa. Họ chơi thứ bóng đá chiến đấu, toan tính và tráng kiệt. Thế cho nên, kết cấu khác, triết lý khác và trực tiếp hai ông thầy cầm quân cũng quá khác.
Guillaume Graechen 2 năm trước tiêu biểu cho trường phái bóng đá đẹp và là con người mang nặng màu sắc của ông giáo bóng đá. Ngược lại ông Hoàng Anh Tuấn bây giờ là nhà cầm quân có nhiều phương pháp huấn luyện khoa học và nhiều mẹo. Khi ông cầm Khánh Hòa, Hải Phòng và giờ là U19 Việt Nam, HLV Hoàng Anh Tuấn có nhiều mẹo và những chiêu mánh cả về chiến thuật lẫn tâm lý. Với 3 sự khác biệt đó, đây là hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
Tôi cũng bổ sung thêm một ý, khi so sánh giữa hai lứa U19, tôi chỉ nói về sự khác biệt chứ không vội khẳng định lứa nào hơn. Bóng đá để đạt thành công, đoạt vé đi U20 World Cup cũng có nhiều chuyện lắm. Ví dụ U19 của 2 năm trước vào bảng quá mạnh. Trận đầu tiên gặp Hàn Quốc, sau đó Nhật Bản và cuối cùng mới dễ thở gặp Trung Quốc. Còn U19 năm nay vào bảng nhẹ hơn, lịch thi đấu cũng thuận lợi hơn.
Nhắm mắt tôi tưởng tượng giả dụ năm nay gặp U20 Iraq - đội mạnh nhất bảng thì sẽ thế nào? May quá, chúng ta gặp U20 Triều Tiên yếu nhất bảng đầu tiên. Trận thứ hai gặp đội khó hơn một tí là UAE, chúng ta hòa. Trận thứ ba gặp Iraq mạnh nhất, ai cũng sợ thì họ đã vào rồi. U20 Iraq ra sân với 9 cầu thủ dự bị và chúng ta hòa khá may mắn. Nói vậy để thấy, bối cảnh bảng đấu khác nhau, bối cảnh thời điểm khác nhau. Nên khi nhắc về hai lứa U19, chúng ta nghiệm sinh về sự khác biệt của họ chứ không vội vàng nhìn vào thành tích trước mắt để khẳng định lứa này hơn lứa kia.
Nhà báo Tuấn Anh:Nhiều ý kiến cho rằng, lứa U19 hiện tại với hàng phòng ngự mạnh, chơi kỷ luật nếu kết hợp với lứa Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phương để đá ở SEA Games 29 vào năm sau, anh đánh giá như nào về triển vọng đội bóng trẻ này?
Nhà báo Phan Đăng: Câu chuyện là những nhà hoạch định chiến lược bóng đá sẽ tính thế nào? Nếu họ đi theo trường phái bóng đá mỹ cảm, cho rằng phù hợp thì sẽ lấy nòng cốt của lứa Công Phượng. Ngược lại, từ thành công của U19 hiện tại, ta thấy cần phải kết hợp giữa cái mỹ cảm, cống hiến đó và tính thực dụng thì có thể ghép lại chăng.
Nhưng cũng nên nhớ, U19 bây giờ thành công của năm nay. SEA Games 29 là chuyện của một năm sau. Trong bóng đá, bên cạnh nghĩ chiến lược dài hơi, người ta vẫn có khoảng hở để lường trước những vấn đề như phong độ, đẳng cấp sẽ trượt đi theo thời gian. Cho nên chúng ta cần phải tính toán rất kỹ. Còn ở góc độ cá nhân tôi, việc chúng ta chọn HLV của đội U23 dự SEA Games năm tới sẽ rất quan trọng. HLV đấy với tư tưởng nào sẽ tạo ra một ddooij U23 theo tư tưởng ấy.
Nhà báo Tuấn Anh:Tại bán kết, chúng ta sẽ đụng phải "ông kẹ" Nhật Bản. Anh đánh giá thế nào về cơ hội của U19 Việt Nam ở cuộc đối đầu này.
Nhà báo Phan Đăng: Việc U19 Việt Nam lọt vào VCK U20 World Cup là câu chuyện mang tính chất hiện tượng, chứ không phản ánh sự phát triển manh tính bản chất của nền bóng đá. Nếu đây là bản chất, anh sẽ có một dự đoán khác về tương lai. Nhưng nếu đây là hiện tượng, dự đoán sẽ khác nữa. Tôi cho rằng, đây mang tính hiện tượng, được tạo ra bởi lứa cầu thủ khỏe, có ý chí thi đấu và được cộng hưởng rất nhiều yếu tố phụ trợ. Ví dụ bảng đấu dễ, lịch thi đấu dễ và những giá trị tinh thần được thổi vào đúng lúc. Đá với UAE và Bahrain, các cầu thủ ra sân với mong muốn đá vì đồng bào miền trung, tạo ra ý chý và tinh thần lớn.
Thế mà vẫn lứa này thôi, vài tháng trước đá ở giải Đông Nam Á các em rất mệt mỏi, bán kết thua đậm U20 Australia. Trong bóng đá trẻ, sự thất thường như thế là điều phải tính đến. Chúng ta rất yêu quý các em, hạnh phúc khi lần đầu tiên đi dự World Cup nhưng không thể đồng nghĩa với việc bóng đá Việt Nam đang phát triển bản chất và cốt lõi. Đây là hai câu chuyện khác nhau, nếu lẫn lộn sẽ rơi vào ảo tưởng.
Vì vậy, ngay cả phép màu nào đó giúp hiện tượng chúng ta thắng Nhật Bản, thì đẳng cấp chúng ta đương nhiên vẫn dưới bóng đá Nhật Bản. Tôi đang nói chuyện trong giấc mơ, với phép màu nào đó. Trở lại thực tại, U19 Việt Nam rất khó khăn. Đẳng cấp là một chuyện, tâm lý của chúng ta khi gặp những đội bóng Đông Á kiểu như Nhật Bản rất khó tạo ra bất ngờ. Chúng ta và Nhật Bản chơi cùng lối chơi, nhưng ở hai hệ tầng khác nhau. Vì vậy, tôi cho rằng trận bán kết gặp U19 Nhật Bản sẽ cực kỳ khó khăn.
Cảm ơn nhà báo Phan Đăng về những chia sẻ thú vị!
* VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền - Hữu Khôi - Tuấn Anh
Clip: Bạt Tuấn - Xuân Quý - Huy Phúc
Tin khác:
Đăng nhận xét