Ngày 25/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về Hội. Đây là dự án luật quan trọng được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền lập hội của công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên họp cho biết: đã có 49 ý kiến tham gia phát biểu tại hội trường. Bên cạnh ý kiến tán thành với dự thảo, nội dung được các đại biểu tham gia góp ý kiến là: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” là nội dung được thảo luận nhiều nhất.
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) góp ý: Việc liên kết, gia nhập các tổ chức nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài là vấn đề nhạy cảm. Vấn đề này thời gian qua nhiều hội làm được, nhưng có hội chúng ta có vấn đề đặt ra cần phải xem xét để làm sao đối với việc tham gia các tổ chức nước ngoài, cũng như nhận tài trợ phải bảo đảm không phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, kể cả phương hại, ảnh hưởng đến uy tín của con người Việt Nam. Chúng ta cần đặt ra vấn đề nhận tài trợ một cách có chọn lọc.
ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ)
Theo ông Quyền, trong thời gian qua chúng ta triển khai chủ trương này ở Nghị định 45 của Chính phủ, kể cả về hội, Nghị định 93 của Chính phủ về việc tiếp nhận hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Có nhiều hội đã triển khai tốt việc này, có hiệu quả, kể cả gia nhập các tổ chức quốc tế, nhận tài trợ.
Chẳng hạn như Hội luật gia chúng tôi đã là thành viên của Hội luật gia dân chủ thế giới 60 năm nay, tham gia Hội luật gia châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội luật gia các nước Đông Nam Á.
“Nhận tài trợ của một số tổ chức, nhưng hoạt động này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao chứ không liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của giới luật gia. Khi tham gia, chúng tôi đã làm được những việc như bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong suốt quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp.
Tranh thủ giới luật gia quốc tế để ủng hộ việc đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ hòa bình, an ninh chính trị của Việt Nam. Đặc biệt, vừa qua, khi có sự kiện về Biển Đông xảy ra, chúng tôi đã tranh thủ giới luật gia quốc tế để ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền biển đảo, Biển Đông. Những việc tham gia vào tổ chức quốc tế, cũng như nhận tài trợ đều tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao” - ông Quyền chia sẻ.
Ông Quyền đề xuất, chúng ta quy định một cách mềm dẻo hơn để có thể vừa quản lý, vừa nắm được những hoạt động này nhưng đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương là mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.
ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)
ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc việc quy định không nhận viện trợ nước ngoài tại Khoản 5, Điều 8. Theo ông Thưởng, quy định như vậy hơi "cứng nhắc", nên chăng quy định việc không nhận tài trợ nước ngoài chỉ áp dụng đối với các trường hợp với mục đích làm phương hại đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội. Còn đối với các khoản tài trợ phù hợp với mục đích tôn chỉ hoạt động của hội không vi phạm pháp luật thì nên cho phép.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng: ở Khoản 5 nằm trong Điều 8 hơi bị khiên cưỡng vì ở đây là liên kết nhận tài trợ chứ không phải lập hội. Trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học đã tham gia nhiều hiệp hội quốc tế.
Ông Trí nêu ý kiến: Về nội dung cần làm rõ ý: “trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Như thế nào là trường hợp đặc biệt? Chính phủ quy định như thế nào và quy định những gì? điều quan trọng là phải quy ngay, nếu không sẽ rất khó thực hiện, nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến y tế hoặc những cứu trợ nhân đạo khẩn cấp sẽ rất khó thực hiện vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Chúng ta phải làm rõ về nội dung này để áp dụng, đó là quan điểm bao trùm của chúng tôi mà cũng phù hợp với tất cả những ý kiến của các quý vị đã phát biểu từ đầu cho đến giờ.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Quy định như vậy sẽ cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng. Quy định như vậy làm chúng ta không có điều kiện để thể hiện vai trò của hội, của cá nhân, của đất nước Việt Nam đối với quốc tế. Quy định như vậy làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện ...
“Bởi vậy, chúng tôi cùng các cử tri là những nhà khoa học ở Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam như nhiều hội chuyên ngành khác tha thiết kiến nghị Ban soạn thảo lưu ý ý kiến này của chúng tôi. Cần soạn thảo luật đủ để hạn chế những hoạt động phá hoại của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, nhưng cũng phải rộng mở để các hội ở Việt Nam được hội nhập, được tỏa sáng và tận dụng được nguồn lực chân chính từ quốc tế”, ông Trí chia sẻ.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đồng tình với phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội và cho rằng tài trợ và cứu trợ là khác nhau. Sau luật này nếu hội không cho phép nhận tài trợ thì nhiều hội sẽ nhận cứu trợ.
ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam)
Liên quan đến quy định cán bộ công chức tham gia thành lập hội hoặc thành viên của hội tại Khoản 3, Khoản 4, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu ý kiến: Qua nghiên cứu dự thảo luật và thực tế, tôi còn băn khoăn bởi vì cán bộ, công chức nhà nước hoạt động công vụ và hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm phục vụ hoạt động công vụ. Nếu để cán bộ công chức tham gia hội sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý của nhà nước và không khách quan trong việc quản lý điều hành.
Ví dụ, công chức của Cục an toàn thực phẩm tham gia Hiệp hội sữa, cán bộ ở Bộ Công thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia Hiệp hội phân bón, làm ở ngân hàng lại tham gia Hiệp hội kinh doanh vàng. Như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không nên chút nào. Vì vậy bà đề nghị dự thảo luật cần cân nhắc thật kỹ việc cán bộ công chức nhà nước tham gia thành lập hoặc tham gia làm thành viên của hội./.
Thu Thủy/VOV.VN
Đăng nhận xét