Theo lịch trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài hơn 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20/10 và dự kiến kết thúc vào ngày 23/11. Trong các ngày làm việc trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm...
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Quốc hội cũng đã thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Ngày 25/10, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Trong quá trình thảo luận, đã có 49 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và không áp dụng của Luật; khái niệm hội, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội; chính sách của nhà nước đối với hội; vấn đề hỗ trợ kinh phí để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; quy định về thực hiện quyền lập hội đối với cán bộ, công chức, viên chức; về hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ của nước ngoài và trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; các hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện, thủ tục thành lập hội; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội, đình chỉ hoạt động hội, giải tán hội.
Dự kiến vào ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý ngoại thương.
VĂN HUY
Đăng nhận xét