Ads (728x90)

GD&TĐ - Vài hôm trước, khi vào nhà sách, tôi đã chứng kiến một cảnh không vui lắm. Một cậu bé chừng mười tuổi đòi mẹ mua cho bằng được chiếc xe đồ chơi. Cậu ta khóc lóc, mè nheo và kiên quyết không chịu ra về. Cuối cùng, người mẹ đành phải mua chiếc xe để không phải ngượng trước nhiều người trong nhà sách.

Cha mẹ thường hay mềm lòng trước những giọt nước mắt và lời ỉ ôi của con. Có người vì quá chiều chuộng con, cũng có người thương con mà hay làm theo những đòi hỏi quá mức của con mình. Trong xã hội hiện nay, khi đời sống kinh tế đã khá hơn, cha mẹ có điều kiện chăm sóc con chu đáo hơn nhưng cùng với đó, hiện tượng trẻ con hay vòi vĩnh cha mẹ cũng ngày càng phổ biến.

Đồng ý rằng, tâm lí chung ở người làm cha làm mẹ là thương con, muốn dành những điều tốt nhất cho con, chiều theo sở thích, đòi hỏi để con thấy vui. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, điều này rất dễ làm hư hỏng con mình sau này. Cái nhỏ các con đòi được thì sau này chúng sẽ đòi những cái lớn hơn. Một lần được chiều theo thì những lần khác chúng càng vòi vĩnh hơn nữa. Và khi đòi hỏi không được thực hiện, chúng dễ cáu giận, hậm hực, bất bình, chống đối. Thực tế cho thấy, những người con được chiều chuộng quá mức lớn lên thường dễ hư hơn so với những đứa trẻ được giáo dục một cách nghiêm túc.

Cha mẹ cần nghiêm khắc với những đòi hỏi quá đáng của con. Cần có những “chiêu” để trị lại tật vòi vĩnh này. Cha mẹ có thể phớt lờ khi con đòi hỏi, giải thích cho con hiểu vòi vĩnh là một tật xấu mà ai cũng ghét, đôi khi cũng cần nghiêm khắc hơn để con biết sợ. Một “tuyệt chiêu” mà cha mẹ nên biết là khi vòi vĩnh, để đạt được mục tiêu, trẻ thường đưa ra lời hứa lần sau không đòi nữa. Cha mẹ nên ghi lại lời hứa này để mỗi lần con mình đòi hỏi, có thể mang ra sử dụng.

Đăng nhận xét