Tại buổi Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Với phong cách lãnh đạo quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, điều hành quốc sự với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Bằng uy tín, tài năng và đức độ của mình, Cụ đã sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, mà vụ án phản cách mạng xảy ra ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), năm 1946, là một thí dụ điển hình, góp phần bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Cụ làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”. Trên đường công tác, Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại lời “chào vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; chỉ tiếc nuối không được tiếp tục cống hiến cho nước độc lập, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – điều mà Cụ ấp ủ từ lâu. Cả nước đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức quốc tang Cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Cụ phần thưởng cao quý – Huân chương Sao vàng.”
Bài, ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
Đăng nhận xét