Trước khi cụng ly, hầu như ai cũng tự dặn mình “uống vài chai sương sương là vừa đủ để về”. Thế nhưng, khi... sương sương rồi chỉ có trời mới biết lúc nào họ mới dừng. Hết chai lại đến chai, hết bia lại đến rượu, khi nào “tê” thì cũng hết biết đường về.
Rượu chè lầy lội
Sở dĩ “cái sự nhậu” của các ma men vô bờ, vô bến là bởi có quá nhiều lý do để nhậu. Vui thì uống chia vui với bạn bè, buồn thì uống cho đỡ buồn, không vui không buồn thì uống chứ... biết làm gì! Thế nên, lúc nào mấy ông cũng sẵn sàng trong tư thế “chiến đấu”. Nhậu riết trở thành lầy lội.
Hồi đầu năm nay, mẹ của một người bạn ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận mất, tôi về chia buồn. Đến nơi, trời vừa tối, tôi đã thấy người nhà giết thịt cả chục con gà. Quái lạ, đám tang mà cứ như đám giỗ! Chỉ chốc lát, khách khứa, bạn bè, hàng xóm đều ghé, bàn ăn dọn lên đầy đủ. Ai đến cũng vào thắp cây nhang, đặt tiền phúng điếu xong là sà vào nhậu. Nhậu từ sẩm tối đến tận khuya, hơn 200 lít rượu chỉ trong một đêm hết sạch. Đến sáng, khi chuẩn bị liệm người quá cố thì gia đình phát hiện 2 vị khách còn ngủ ở... vườn tiêu. Hôm sau, gia đình tiếp tục đãi người đưa ma và hơn 200 lít rượu nữa cũng hết sạch.
Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Còn đám cưới thì khỏi nói, bia rượu tràn trề, thậm chí nhiều chú rể cũng “đứt bóng” giữa chừng. Ở quê có lệ trước ngày làm đám chính thức thì tối đó chú rể mở tiệc đãi bạn, thuê dàn nhạc về hát. Tiệc này thoải mái, ai muốn đến cứ đến, không cần thân quen và rượu thì tràn trề. Mỗi tối như thế mất vài trăm lít rượu là bình thường. Uống rồi hát và ... lên bờ xuống ruộng.
Một lần như thế, có anh bạn uống đến say mèm, tự dưng cứ nhớ đến cô người yêu cũ ở xứ Huế. Thế là anh ta nằng nặc đòi lên sân khấu hát bài “Ai ra xứ Huế”. Dàn nhạc dạo rất hứng, anh ta cất giọng: “Ai ra xứ Huế...” thì... “ọa”. Bao nhiêu thứ từ trong cổ cứ tuôn ra. Báo hại mấy nhạc công hoảng hốt nhảy khỏi sân khấu.
Mà nào phải đám cưới hoặc đám ma mới “không say không về”. Có người sáng đi làm ghé vào quán cháo lòng thì gặp mấy ông bạn. Rượu trên bàn luôn để sẵn, thế là làm vài xị. Nhiều khi túc tắc như thế mà đến chiều. Ở quê rượu rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/lít nên dân nhậu lấy đó làm “chuẩn” để đo tửu lượng của nhau. “Đô mày cỡ ba chục ngàn chớ mấy”, “Đủ dũng khí ngồi với anh hai chục ngàn không em?”... là những câu cửa miệng của dân nhậu miệt vườn.
Nhậu... online
Ngày nay, thiết bị công nghệ phát triển nên chuyện nhậu với nhau cũng tiện nhiều thứ. Bạn bè ở xa? Mặc. Chiến hữu đi công tác? Không sao. Chỉ cần một cái điện thoại là có thể nhìn mặt nhau khề khà hết két này đến két nọ.
Kiểu nhậu này thường được một nhóm bạn kinh doanh nhà đất ở quận 7, TP HCM dùng. Trong nhóm có 2 người sang Mỹ định cư. Tiếc nuối tình cảm tràn trề thuở xưa nên mỗi khi nhậu, nhóm bạn ở đây lại mở chương trình zalo trên điện thoại truyền video trực tiếp. Cũng cụng ly, cũng trăm phần trăm, cũng truy chai uống thiếu... như là đối mặt tương phùng. Chỉ khổ, họ nhậu lúc 3 giờ chiều ở Việt Nam thì bên Mỹ khoảng 3-4 giờ sáng. Bên đây đang sung thì bên kia ngủ gà ngủ gật. Uống riết đâu được khoảng một năm, trong một lần nhậu online, anh bạn bên Mỹ thông báo mình đã bị đuổi việc!
Bi hài không kém là cuộc nhậu online của nhóm bạn họa sĩ TP HCM - Phan Thiết, bắt đầu sau cử cà phê sáng, đàn hát mãi đến 16 giờ. Nhóm 6 người ở TP HCM uống hết 2 chai rượu Tây và 2 thùng Heineken, còn nhóm 3 người ở Phan Thiết cũng “quất” gần 2 thùng Tiger. Đang nhậu, nhóm ở TP HCM thấy trên màn hình nhốn nháo, tiếng còi hú inh ỏi. Thì ra, một người ở Phan Thiết quá say, bước vào nhà vệ sinh trượt chân đập đầu vào tường chấn thương sọ não...
Kiệt quệ vì rượu
Làng Đê Btứk, xã Đăk Jơ Ta thuộc hạng nghèo nhất trong 104 thôn, làng của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Cả làng có 139 hộ thì có tới 129 hộ nghèo, nguyên do chính cũng vì rượu. Đê Btứk nằm lọt thỏm giữa vùng đồi núi. Khắp làng đa phần là những căn nhà lụp xụp, tạm bợ.
Hôm phóng viên đến thăm một hộ dân, trong căn nhà sàn gỗ xập xệ không có tài sản gì ngoài chiếc xe đạp hỏng, 6 người cả đàn ông lẫn đàn bà đang túm tụm cùng nhau uống rượu. Sau khi uống 3 ly làm “luật” để cùng nhập tiệc, chúng tôi xin phép hỏi tên chủ nhà thì một người tự giới thiệu: “Mình là chủ nhà, tên Rượu (người Bahna ở đây không có họ - PV) như tên loại nước này”. Nói rồi, Rượu cầm bịch ni-lông đựng rượu giơ lên và giới thiệu những người ngồi xung quanh là vợ, hàng xóm, họ hàng với anh ta. Mồi nhậu là một nồi cá suối kho mặn chỉ khoảng hơn chục con bằng đầu đũa. Khi 2 bịch rượu đã hết, do không còn tiền nên Rượu xin tiền của anh em tiếp tục ra quán gần nhà mua thêm 1 bịch nữa về nhậu tiếp.
Vợ chồng Rượu chỉ có 2 đám đất ruộng, thu hoạch lúa mỗi mùa chỉ đủ ăn khoảng 1 tháng. Thỉnh thoảng, Rượu lại đi rừng để kiếm thêm, thời gian còn lại thì ở nhà nhậu. “Có khi uống nhiều ngày liên tục, cứ say ngủ, dậy lại uống tiếp. Bây giờ, tay run luôn rồi” - người đàn ông sinh năm 1984 nói và những người khác cũng “khoe” tay mình đã bị run vì uống nhiều rượu. Tứk, một bạn nhậu của Rượu, cho biết hễ đi rừng là mang theo rượu. Khi nghỉ giữa dốc là 5 người phải uống hết 5 lít, lên tới đỉnh dốc thì uống hết 6 lít...
Ông Đinh Văn Trứ, Chủ tịch UBND xã Đăk Jơ Ta, cho biết một trong những nguyên nhân khiến làng Đê Btứk kiệt quệ là do rượu. “Nhiều khi tổ chức họp thôn bàn cách làm ăn, hỗ trợ bà con sản xuất nhưng chỉ vài người đến dự. Chờ thật lâu mới có người đến nhưng đã say mèm, chân đi xiêu vẹo, đành chịu” - ông Trứ than thở.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-10
Kỳ tới: Bi hài đệ tử Lưu Linh
Nhóm phóng viên
Đăng nhận xét