* Thưa anh Khoa!
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng nhờ cha mẹ chịu khó tảo tần mà nuôi 5 anh chị em khôn lớn học hành nghề nghiệp ổn định. Trước giờ cha tôi là một người cha thương con cái, thương vợ. Giờ chúng tôi đều đã lớn, cha mẹ tôi cũng đã qua 60 tuổi rồi.
Vậy mà thật không ngờ, gần đây tôi bắt gặp tin nhắn của người phụ nữ lạ thường xuyên nhắn qua lại với ông, những tin nhắn đầy yêu thương. Tôi hỏi thì ông đùng đùng nổi giận nhưng lại không giải thích được. Sau đó tôi không nhắc lại chuyện này nữa vì niềm tin của tôi đối với ông rất lớn, trong mắt tôi ông là người đứng đắn, gương mẫu, chắc sẽ không làm chuyện tổn hại tới bản thân và gia đình.
Tôi xa gần khuyên nhủ ông rất nhiều và luôn hy vọng ông tỉnh ngộ nhưng vô ích. Nhìn cảnh bố tôi cứ lén lút nghe điện thoại, nhắn tin, khi ra ngoài ăn mặc chải chuốt, bảnh bao, gom tiền bạc gia đình mang đi, nói dối má tôi là hùn chuyện làm ăn. Tôi chỉ sợ ông bị gái lừa hết tình cảm và tiền bạc thì tuổi già của ông sẽ ra sao? Ba tôi đã hơn 60 tuổi rồi, có người đàn bà nào yêu ông già gần đất xa trời mà không cần tiền bạc?
Tôi định nói chuyện với mọi người trong gia đình nhưng sợ ba mất mặt, sợ mang tội bất hiếu với ba. Xin anh Trần Đăng Khoa cho tôi lời khuyên đi.
Nguyễn Thị Hải
(Kim Thành, Hải Dương)
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Bạn là người cùng quê với tôi, sao lại trọ trẹ nói giọng Nam pha Bắc? Ông thân sinh bạn mới qua tuổi 60. Trong chuyện tình ái, với đàn ông, tuổi 60 là tuổi còn rất trẻ, đâu phải đã là người “gần đất xa trời”. Có ông 70, 80 vẫn có bồ. Đặc biệt, có người ngoài tuổi 80, thậm chí đến cả tuổi 90 vẫn có con. Ông bố bạn mới 60 tuổi xuân, nên vẫn nghe vụng điện thoại, vẫn đỏm dáng khi ra khỏi nhà là chuyện rất bình thường. Bạn không tố cáo bố, không làm toáng lên với cả nhà và đặc biệt không tiết lộ cho mẹ biết là rất đúng. Bà đã ở tuổi 60. Cái tuổi có thể đã nhạt chuyện gối chăn, nhưng hờn ghen thì không bao giờ có tuổi. Ghen không chỉ vì tình ái mà vì sự uất hận của một người có quyền lực, lại bị hất ra lề đường. Thêm nữa, có khi ghen vì tiếc của nên khổ lắm. Bảo vệ mẹ và bảo vệ cả bố nữa trong một bầu khí quyển êm lành là điều cần thiết để giữ gìn sự yên ổn của gia đình. Tuy nhiên, bạn cũng nên tế nhị và rất tinh tế quản lý sổ đỏ nhà, đề phòng ông trong lúc cao hứng mụ mị, có thể mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, tránh cho cả nhà phải ra đứng đường khi có sự cố. Và điều quan trọng hơn, bạn có thể tế nhị gặp người tình của bố, tôi nói tế nhị, vì đây là chuyện rất tinh tế. Không cáu giận, không làm to chuyện, đặc biệt, không thể nói “Ba tôi đã hơn 60 tuổi rồi, có người đàn bà nào yêu ông già gần đất xa trời mà không cần tiền bạc?”. Nói thế là xúc phạm người ta. Thêm nữa đây lại là bạn của bố, không thể sàm sỡ được. Mà suy cho cùng, cô bé ấy cũng rất đáng thương. Phải nhìn cô bé ấy bằng con mắt yêu thương, bạn mới có được sự tỉnh táo để lựa chọn những giải pháp thông minh nhất. Và bạn phải biến mình thành một người bạn thân thiết, thậm chí một “người chị kết nghĩa” của người con gái ấy, không phải bằng thủ đoạn mà bằng sự chân thành. Khi đã là bạn thân, và đặc biệt là chị em của nhau, bạn sẽ rất dễ dàng khuyên nhủ “em gái” của mình, và bạn sẽ có rất nhiều giải pháp thông minh giúp “em” thoát khỏi sự phiền toái. Bởi em đang rất đẹp. Em có đầy sức mạnh để tạo dựng hạnh phúc nếu có sự lựa chọn đúng đắn. Còn cách lựa chọn vừa rồi chưa phải đã thông minh đâu. Không biết em có thực sự hạnh phúc không, nhưng trước mắt, cái ai cũng nhìn thấy là em đã vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Khi đã vi phạm pháp luật thì phiền toái lắm. Đừng dại dột thế. Chẳng ai thương mình bằng chính mình đâu. Tôi tin mọi chuyện sẽ rất tốt lành, nếu như bạn thật sự yêu thương bố mình, cũng như yêu thương người con gái ấy. Lòng yêu thương sẽ hóa giải được mọi chuyện và đem lại sự tốt lành.
Con cái biết quan tâm, bảo vệ mẹ và bảo vệ cả bố nữa trong một bầu khí quyển êm lành là điều cần thiết để giữ gìn sự yên ổn của gia đình buổi xế chiều…
* Chú Khoa ơi! Cháu có một người bạn thân bằng tuổi. Hai đứa lúc nào cũng dính với nhau như sam: làm việc chung, đi chơi chung, thậm chí trong ngày hẹn đầu tiên với người yêu, cháu cũng dẫn cô ấy theo. Hiện tại hai đứa làm đồ thời trang ở cửa hàng nhà cháu. Bạn ấy đã giúp cháu rất nhiều những lúc vui buồn trong cuộc sống. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu không phải vì bạn ấy cái gì cũng hơn cháu, nhất là về khoản nhan sắc. Hễ anh chàng nào có tình ý với cháu, sau khi gặp cô bạn này thì lại ngó lơ cháu ngay. Cháu thật sự rất buồn. Có lần cháu nói bóng nói gió về chuyện hai đứa nên tách ra chứ chơi chung mãi thì ế mất. Nhưng bạn ấy chỉ cười cười cho qua mà không để ý đến nỗi buồn cháu đang ôm trong lòng. Cháu phải làm sao bây giờ?
(hoahong,go96@gmail.com)
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Cháu có người bạn tốt, lại xinh đẹp là quá hay chứ. Có chi mà phải buồn. Thông thường, đối với nhiều cô gái, khi đến thăm người yêu, nếu rủ bạn gái đi cùng, thường các cô chọn người kém mình về mọi phương diện để giữ sự an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng không phải đơn giản thế đâu. Nhan sắc bên ngoài chỉ là cái cớ giúp người ta dễ nhận ra nhau. Nhưng giữ được nhau lâu dài, lại là cái duyên và đặc biệt là đức hạnh. Cái duyên không phụ thuộc vào nhan sắc. Nó là sự thăng hoa của một vẻ đẹp tổng hợp, trong đó có nhan sắc, tâm hồn, văn hóa và cả lối ứng xử. Một vẻ đẹp hòa quyện, bình dị nhưng rất hấp dẫn. Đó là vẻ đẹp của đàn bà. Các cụ khuyên: “Lấy vợ đàn bà. Xây nhà hướng Nam”. Lời khuyên ấy thiết thực và sâu sắc lắm. Có nhiều người nông nổi, không hiểu, tưởng các cụ nhầm, nên chỉnh lại, là “Lấy vợ hiền hòa...”. Hỏng. Hiền hòa chỉ là một đặc tính, rất hẹp và đơn giản. Người ta mê là mê cái chất “đàn bà” ấy. Đấy mới là điều hấp dẫn nhất đối với đàn ông. Bởi có không ít phụ nữ chẳng đàn bà chút nào. Mặc dù nhìn bên ngoài họ rất đẹp. Nhưng đó là vẻ đẹp của chiếc bình sứ. Nõn nà, nhưng giá lạnh, không có sự nồng ấm.
Cháu cần phấn đấu để có được sự nồng ấm ấy. Không có gì phải buồn. Mà lẽ ra, cháu phải rất mừng vì có một người bạn gái đẹp. Đó không chỉ là người bạn tốt mà còn là một chiếc “kính chiếu yêu”. Người nào nói yêu cháu, gặp cô bạn cháu, lại lạnh nhạt với cháu, thì cháu cũng nên mừng, vì anh ta có thật sự yêu cháu đâu. Nếu thực sự yêu cháu, anh ta sẽ thấy, ngoài cháu ra, tất cả những người con gái khác, dù thướt tha yểu điệu thế nào, cũng chỉ là những chiếc bình sứ vô cảm. Yêu một người, thậm chí lấy một người mà gặp người khác đẹp hơn là thay lòng đổi dạ thì nguy hiểm vô cùng. Bởi ở đời, anh ta sẽ còn gặp bao nhiêu người con gái đẹp, thậm chí họ còn đẹp hơn nhiều cô bạn thân của cháu, thì rồi sẽ ra sao. Thật bất hạnh khi phải sống với những người đàn ông nông nổi như thế. Chúc cháu có một hạnh phúc thực sự vững bền.
* Anh Khoa ơi, anh hay đi nhiều, hết lên rừng lại xuống biển. Có người bảo, đi với TĐK sướng lắm, vì đến đâu lão cũng được dân chúng yêu mến. Hầu như không ai không biết TĐK…
Vũ Thúy Hoa (Bắc Kạn)
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Chẳng hay ho gì khi đi đâu cũng có người chỉ chỉ trỏ trỏ. Hạnh phúc nhất là được làm một người vô danh để lẫn vào đám đông. Mà bảo lão Khoa đi đâu ai cũng biết thì cũng nhầm đấy. Tôi nhớ có lần lão Khoa đi cùng nhà thơ Ngọc Bái lên một huyện vùng cao. Nhà thơ Ngọc Bái là Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái. Anh đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhưng bấy giờ lão Khoa và anh đang theo học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Chúng tôi tới đúng lúc Hội nghị huyện khai mạc. Đại biểu đều là Xã đội trưởng. Toàn đàn ông. Nhưng trông ai cũng giống nhau vì đều mặc quần đen, kiểu quần đàn bà nhà quê, đi chân đất và đeo xà cột. Vấn đề mấu chốt mà hội nghị “quán triệt” là không để người chết nằm lâu trong nhà và khi đưa tang, không bắn súng, tốn quá nhiều đạn. Thấy chúng tôi, ông Chủ tọa người Mông mừng lắm: “Rất vinh hạnh cho hội nghị chúng ta hôm nay, đến dự có hai nhà thơ nổi tiếng Trường Viết văn Nguyễn Du của Trung ương Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, đó là nhà thơ Thế Bái (thi sĩ Ngọc Bái đỏ bừng mặt. Lão Khoa ghé tai anh: Bác viết thế là chẳng ra cái quái gì nhé, đến cả cái tên mình người ta cũng không biết thì còn gì khổ bằng) và đặc biệt vinh hạnh hơn là chúng ta còn được đón nhà thơ Bế Phụ Khoa. Đề nghị bác Phụ Khoa đứng lên để bà con nhìn mặt nào!”. Ngọc Bái nhảy cúa lên vì đã có người cùng hội cùng thuyền. Tôi mang cuốn sách theo, tặng bà con. Nhà thơ Ngọc Bái dặn: “Cậu nhớ phải ghi rõ: Đây là Chính Khoa chứ không phải Phụ Khoa đâu nhá”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Đăng nhận xét