Ads (728x90)

Nhất là những buổi trưa, nắng ghé vào chiếc giường của tôi, vàng tươi như mật. Đó là màu nắng của những ngày tôi theo bố lên đồi hái lá thuốc. Nắng trải khắp sườn đồi, ánh lên màu vàng tươi non và lóng lánh.

Tôi rướn người kéo xoẹt tấm rèm vào một góc, chợt nhận ra một mùa ngâu vừa mới qua đi. Mấy đám ruộng đã không còn dấu vết khô cằn, nứt nẻ. Trời chưa sáng hẳn, gió vẫn còn mang hơi nước nặng nề chạm se sẽ trên những ngón tay của tôi.

Sau vụ tai nạn ngày ấy, chiếc giường đã được kê sát cửa sổ, hình như để tôi có thể làm bạn với nắng gió, mây trời. Tôi hiếm khi che kín tấm rèm. Đêm qua lất phất mưa, ai đó đã kéo rèm cho căn nhà bớt lạnh. Thích nhất là những buổi trưa, nắng ghé vào chiếc giường của tôi, vàng tươi như mật. Đó là màu nắng của những ngày tôi theo bố lên đồi hái lá thuốc. Nắng trải khắp sườn đồi, ánh lên màu vàng tươi non và lóng lánh. Mỗi chuyến trở về, trong giỏ của tôi ăm ắp những quả dại, hoa dại trên đồi và những giọt nắng vàng ươm. Tôi thích lên đồi lắm, bởi khi ấy tôi có thể ngân nga hát những bài yêu thích của mình. Tiếng hát trong trẻo vút lên, hòa vào nắng gió. Một lần, tôi lén nghe thấy bố nói với bác Tường hàng xóm “Con bé nhà tôi hát hay lắm”. Bố thường dẫn tôi lên đồi chỉ để nghe tôi hát nhưng chưa bao giờ bố tiết lộ cho tôi biết điều đó.

Rồi bố âm thầm đăng ký cho tôi tham gia cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” dưới thành phố. Khi ấy tôi mười lăm tuổi. Mẹ kêu đường sá xa xôi, nhiều bất trắc. Tôi phụng phịu đòi đi bằng được. Tôi nghe thấy cả tiếng bố dỗ mẹ trong đêm: “Thôi, chiều con. Nó thích hát mà”. Bố đèo tôi bằng chiếc xe máy cũ cọc cạch, rời khỏi nhà từ lúc tảng sáng. Tôi có buổi thử giọng vào buổi sáng và đợi đến chiều, tôi cũng nhận được tấm vé vào chung kết.

Vung nang - Anh 1

Dừng lại ở một quán nước ven đường, tôi chìa tấm vé ra, những ngón tay nhỏ của tôi chạm vào từng dòng chữ. Lòng tôi cứ rạo rực như cánh chim non hồi hộp trước khoảng trời cao rộng. Tay cầm chén trà lạnh, bố quay sang nói với tôi:

- Bố có cảm giác như mình bay bay con ạ.

- Con được vào chung kết, bố mừng quá phải không?

Tôi cười tươi, hồn nhiên như nắng, lại tiếp tục ngắm nghía tấm vé trên tay mình. Tôi không hay biết cảm giác bay bay kia đã điềm báo cho một sự mất mát. Chiếc xe ô tô như mũi tên bất ngờ lao thẳng đến. Bố văng ra khỏi chiếc xe máy một quãng rồi chốc lát, cả bố và tôi đã nằm sõng soài, bất động trên đường nhựa. Niềm vui rạo rực chết sững trong khoảnh khắc ấy.

Những ngày sau đó, tôi không tài nào nhấc nổi mình khỏi chiếc giường. Không phải vì đôi chân của tôi đã nham nhở vết đau mà nỗi đau trong tim tôi luôn đánh vật với cơ thể. Tôi dồn sức để kéo tấm rèm ra cho nắng rọi vào hong khô nước mắt. Chiếc ti vi đặt ở gian nhà giữa, mẹ đi qua sẽ tắt phụt đi nếu đúng lúc phát sóng chương trình ca nhạc nào đó và làu bàu ra tận cổng: “Hát với chả hò”. Mỗi ngày mẹ thức dậy đều phải đi ngang qua chiếc giường của tôi nhưng mẹ không nhìn tôi. Ánh mắt ráo hoảnh và khô khốc như những người xa lạ. Mấy năm trời sự mất mát trong lòng mẹ vẫn chưa ngủ yên. Nó nhức nhối trong những ánh nhìn. Nhức nhối trong tiếng thở. Và nhức nhối trong cả bước chân đi. Đã rất lâu rồi tôi chưa được vòng tay ôm mẹ ngủ, hít hà mái tóc hương bồ kết. Rất lâu rồi tôi không sờ những vết chai sần trên đôi chân mẹ. Chạm vào mẹ bây giờ là điều bất lực với tôi. Giá như ngày ấy tôi không ngân nga trên những ngọn đồi. Giá như tôi nghe lời mẹ. Giá như tôi đủ lớn để biết trước lời của bố là điềm báo…

Chị Hoa về đến cổng với cái cuốc trên vai. Nhìn thấy tôi qua khung cửa sổ, chị cũng tảng lờ đi như thể tôi không hề tồn tại. Có những ngày tôi không rời khỏi chiếc giường. Tôi nghĩ không chuyển động cũng chẳng khác nào hồn đã chết, chỉ có thân xác gửi lại nơi này. Tôi không thể chạy nhảy trên đồi xanh ngày nào bởi lòng muốn đi mà chân không đủ sức. Chiếc nạng dựng ở góc nhà, năm bảy hôm tôi mới dùng đến một lần. Tôi càng sợ bước ra khỏi cánh cổng nhà mình. Chỉ cần thấy bóng tôi, trẻ con trong làng chạy xúm xít lại vây quanh và buông những tiếng reo hò khoái chí như mỗi lần chúng thấy gã Trường cụt tay đi ngang qua làng. Chị Hoa từ ngày về làm dâu, trên gương mặt chị luôn có nỗi lo đau đáu về tôi. Trong những bữa cơm, chị hay phàn nàn, ca cẩm, rằng cuộc sống ngặt nghèo quá, sau này còn con cái nữa, khổ trăm bề. Anh trai tôi cúi đầu lặng thinh, và vội bát cơm rồi đứng dậy. Mẹ tôi giọng rắn như thép:

- Tao già yếu rồi, không còn đủ sức lo cho thân mình đây.

Câu chuyện chẳng hề nhắc đến tôi nhưng tôi biết mình là nỗi lo của cả chị Hoa và mẹ, là món đồ hết giá trị đang bị quăng quật từ bên này sang bên khác.

Sáng nay, tôi nhìn ra ngoài hiên, những quả sấu già rụng khắp, hoa lộc vừng vẫn còn vương lại những giọt hương thơm mát. Nắng đã vàng hơn. Không gian khiến tôi nhớ ngọn đồi quá. Nhớ bố những ngày tháng tuổi thơ. Tám năm rồi tôi không hát. Tiếng hát ấm ứ nơi cổ họng, cất không nên lời. Tôi mới tuổi 23 mà ngỡ mình như mảnh đất cằn cỗi, như chiếc lá bàng héo rũ, già nua sắp bứt mình khỏi cây bởi đã cạn khô nhựa sống.

Tiếng nồi, vung leng keng dưới nền gạch cũ làm tôi giật mình, trôi ra khỏi những ý nghĩ ban nãy. Mấy con gà hoảng hốt đập cánh phành phành rồi chạy đi. Tiếng chị Hoa chao chát, chửi con gà lục nồi trong bếp. Bữa cơm trưa nồi cá kho khét lẹt. Nhưng chính chị Hoa lại cằn nhằn nhiều nhất. “Nhà có tận bốn người mà không ai đỡ đần việc nhà giúp. Vừa nấu, vừa cho lợn, cho gà ăn thì mắt đâu mà để ý nồi cá cho được”. Từng câu nói của chị Hoa thít chặt lấy tâm can tôi. Miếng cơm trong miệng không trôi nổi. Chỉ cần một lời đáp lại, có thể chị sẽ dốc cả lòng mình giữa bữa cơm. Tôi sẽ chỉ phải nghe một lần. Thà một lần đau đến cùng cực còn hơn từng ngày gặm nhấm, dai dẳng và âm ỉ.

Tôi loáng thoáng biết được chị Hoa có ý định phá khu vườn để dựng tạm một căn nhà mái ngói. Căn nhà này không phải tổ ấm của chị. Căn nhà là nơi chị phải đèo bòng thêm gánh. Hơn ai hết, tôi muốn ý định ấy sớm thực hiện. Mỗi lần chạm vào ánh mắt của chị, tôi lại thấy mình rệu rã đi. Ánh mắt ấy như đang giết tôi từng ngày. Giá tôi đủ sức để vò nát những ánh mắt ấy. Tiếng bước chân bình bịch của chị dưới nền nhà cũng giẫm lên cõi lòng non dại của tôi. Đêm đêm, chị nhỏ vào tai tôi từng lời nhức nhối: “Giá kể bố còn sống, chẳng ai phải vất vả thế này”. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi bắt gặp bố trong giấc mơ. Bố cõng tôi trên lưng, đi ven những sườn đồi ngập nắng. Bố hái những bông hoa dại vàng rực cho tôi. Chốc lát, bố thả tôi xuống để tôi ngồi trên một bãi cỏ xanh rồi vỗ vai tôi “Cố gắng lên, con gái của bố”. Bố chìm dần vào vùng nắng phía xa xa, tôi muốn đuổi theo mà không đủ sức. Tôi tỉnh giấc, gối đã ươn ướt, khóe mắt như có lấm tấm hạt sương đọng lại. Trên giàn, mấy bông hoa mướp cuối mùa vàng rực hết thảy như bông hoa dại trong giấc mơ bước ra đời thực. Phải chăng là bố nhắc tôi hãy sống như những bông hoa, hãy phô sắc thắm tươi trước khi tàn, để thanh xuân lướt trên những ngón tay và nở trên những nụ cười.

Một buổi chiều, anh trai tôi trở về, chị Hoa bần thần ngồi sau chiếc xe máy cũ. Đến khoảng giữa sân, anh dừng xe lại, chị Hoa vẫn ngồi như bất động ở đó, tưởng chỉ cần cú đẩy nhẹ cũng khiến chị đổ nhào. Mặt chị tối sầm lại như bầu trời trước cơn mưa. Hình như khó khăn lắm, anh mới cất được lời:

- Thôi, vào nghỉ đi em.

Tối đó, anh trai tôi vào bếp đun lại nồi canh cua và thịt kho ban trưa. Chị Hoa nằm im trên giường, mắt nhắm lại vẻ như đang đánh vật với một cơn đau nào đó trong tâm mình. Hiếm khi thấy chị Hoa như vậy. Cái vẻ chao chát thường ngày bay đâu mất. Bữa cơm bỗng trở nên nguội ngắt. Một tuần sau, tôi mới hay tin chị Hoa không thể sinh con. Còn nỗi đau nào hơn khi bị tước đi quyền làm mẹ. Đó là một sự mất mát lớn. Mẹ tôi không chạm vào nỗi đau của chị và lặng im của mẹ là sự đồng cảm của những người phụ nữ. Sự đồng cảm để xích lại gần nhau hơn. Đêm, gió lùa vào nhà, tấm rèm kêu loạt xoạt. Mẹ rón rén lại gần, kéo tấm chăn đơn kín ngực tôi. Sáng, mẹ dậy đi chợ sớm, mua cho chị bát bún mọc, mua cho tôi vài cái bánh rán tẩm mật ong rồi lặng lẽ vác cuốc ra đồng. Tôi đưa mắt nhìn theo cái dáng lam lũ ấy mờ dần trong vùng nắng bao la. Tôi chợt thấy hình bóng bố chập chờn nơi ấy, dáng lênh khênh cao lớn nhìn về phía tôi, cười trong chốc lát rồi lặng lẽ theo mẹ. Miệng tôi ngân nga câu hát tự lúc nào...

Dương Hằng

Đăng nhận xét