Ads (728x90)

Phố Lê Duẩn, có lẽ là con đường đẹp bậc nhất Hà Nội, vì hai bên đường có hai cái hồ, hồ Bẩy Mẫu và hồ Ba Mẫu.

Tren mot con duong - Anh 1

Hồ Bày Mẫu bên đường Lê Duẩn, Hà Nội.

Tấp nập tàu xe, và thi thoảng đối đầu nhau là hai chiếc ôtô chở hoa, một ôtô đám cưới và một ôtô đám tang đi về Văn Điển.

Có hôm đi bộ tôi đứng trong công viên Thống Nhất nhìn con đường với ý nghĩ tản mát về hai chiếc xe chở hoa kia với hai nhiệm vụ khác hẳn nhau: Hiếu và Hỷ. Chiếc xe hoa đám cưới là nơi bắt đầu cuộc hôn nhân hạnh phúc con người; còn chiếc xe đám tang cũng đầy hoa kia lại là nơi chia tay vĩnh biệt cuộc đời ngắn ngủi.

Cũng trên đường này, cũng có ngày xe đám cưới đi sau xe đám tang. Tôi để ý thì chợt thấy chiếc xe đám tang, tay lái bác tài đã cố ý hãm phanh cố đi chậm lại cho chiếc xe đám cưới vượt lên đi trước. Lạ sao, khi chiếc xe tang đi chậm lại, lần ấy, tôi chỉ thấy có một người ngồi trong xe và với một chiếc quan tài cháy sáng mấy ngọn nến. Người nằm trong xe có độc một vòng hoa kia chắc là cô quạnh lắm.

Hai chiếc xe hoa ở hai ranh giới, nơi bắt đầu cuộc hôn nhân và nơi kết thúc cho một số phận làm người. Có khi nào, thời gian bạn chỉ dùng để tìm kiếm chính mình chưa, có khi nào bạn cật vấn mình chưa, mình là ai, từng làm gì, sống hết mình để rồi cũng lại đi trên chiếc xe hoa kia về đài hóa thân?

Có lần tôi ngồi trong xe đưa tiễn bạn ở đài hóa thân hoàn vũ, thời buổi bây giờ chết cũng có ngày đẹp trời, đẹp giở nên khi chết cũng phải xếp hàng. Chờ thiêu. Trong xe đưa tiễn bạn, có ông chồng là một người đeo kính cận thị nặng, mặt mỏng và đôi môi mỏng như sắt lại, tôi nghe nói chồng cô giáo nằm trong chiếc áo gỗ kia, có học hàm học vị, bảy mươi tuổi vẫn là cán bộ nhà nước cỡ kha khá, sáng vẫn cắp ô đi, vợ chết không nhìn gặp mặt lần cuối. Nhưng đồng nghiệp vợ ông, đánh giá ông ta sống nhàn nhạt, chẳng có tài cán gì đáng kể; tài chính trong nhà nhờ cả vào tay bà vợ dạy ngoại ngữ tiếng Anh, đang gặt hái ra tiền thì đổ bệnh ung thư phổi, mà đã ung thư phổi thì chết rất nhanh trong các loại bệnh ung thư. Ngày đưa tiễn vợ ông, học trò cũng đông lắm, tính ra vài chục vòng hoa, và trên xe mọi người vẫn nói chuyện vui như Tết; lúc xuống xe đưa cô giáo vào lò thiêu, mọi người lại phải tỏ ra buồn bã, nước mắt tiếc thương. Phút chốc con người vào những vai diễn xuất như thế, đầy rẫy trên cõi dương gian này. Trên xe cũng còn có một ông, tôi nhớ mặt vì ông chuyên viết sớ ở ngôi đền bên kia sông Hồng thì lại thư thả nói: “Khi chết rồi chẳng biết cháu con mình bày đặt mình ra sao, nhưng khi ốm đau thì gắng đừng có làm phiền người khác”. Ông cụ viết sớ bảo: “Gần làng tôi có một anh giáo còn chụp ảnh đưa cả cái chân cụt lên mạng để cho mọi người thấy hoàn cảnh khốn khổ của anh ta. Rồi bạn bè loan tin ủng hộ, con gái đưa cả lên “phây búc” về bệnh tình của cha, dĩ nhiên có nhiều bạn bè, nhà hảo tâm giúp đỡ. Một thời gian sau anh giáo lại phóng xe đi họp hành trở lại, có vẻ vênh vang về nghị lực sống của mình, nghĩ chẳng ra làm sao”. Nghe nói học trò sau đó đến nhà anh giáo thì thấy nhà cửa rất hoành tráng uy nghi, có khó có khổ như khi đưa lên “phây búc” đâu. Cách sống cũng lại là một cách hành xử để tiếng… Hai ông già chốt lại, rồi lững thững xuống xe.

Cũng là hoa cả mà nặng nhẹ, khinh trọng, để đời chỉ cách nhau một con đường với hai cái hồ nước, và cái lò thiêu...

HOÀNG VIỆT HẰNG

Đăng nhận xét