Ads (728x90)

16h hôm nay, 12/7 (theo giờ VN), Tòa Trọng tài quốc tế ở Hà Lan (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Phlippines với những yêu sách quá đáng của Trung Quốc thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Đây là vụ án đặc biệt quan trọng không chỉ với Trung Quốc và Phlippines mà còn cả với các nước trong khu vực. Petrotimes xin điểm lại vắn tắt vụ kiện để quí độc giả có cái nhìn toàn diện về vụ án này.

Hieu het vu Philippines kien Trung Quoc trong 3 phut - Anh 1

Yêu sách của Trung Quốc qua cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông

Cụ thể Philippines kiện gì ở Trung Quốc?

Những bất đồng về chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila đã âm ỉ từ nhiều thập kỷ qua dần dà được khơi dậy dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino và lên đến đỉnh điểm năm 2012, khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines sau một thời gian giằng co.

Khi ấy, các viên chức Mỹ đã thương lượng với chính quyền Manila và Bắc Kinh để rút đồng thời các tàu Philippines và tàu hải giám lớn hơn của Trung Quốc khỏi dải đất nhỏ bé này. Tổng thống Aquino đã chấp thuận rút tàu, nhưng các tàu hải giám Trung Quốc chẳng bao giờ ra đi.

Sau nhiều ngày thương lượng bất thành, tháng 1-2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc đặt tại La Haye, Hà Lan, bất chấp lời cảnh báo của Bắc Kinh là sẽ phản ứng mạnh mẽ về ngoại giao và kinh tế.

Philippines đã yêu cầu tòa án gồm năm trọng tài viên tuyên bố yêu sách lãnh thổ đầy tham vọng, với đường 9 đoạn bao trùm hầu hết Biển Đông của Trung Quốc, là không hợp lệ, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc và Philippines đều là những nước đã phê chuẩn Công ước này, được coi như một Hiến pháp với những quy định về quyền của các quốc gia liên quan đến các đại dương trên thế giới.

Một cách cụ thể, Philippines yêu cầu tòa lên tiếng trên 15 điểm, liên quan đến một số vấn đề chính. Thứ nhất, tính bất hợp pháp của bản đồ 9 đoạn được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế.

Vấn đề thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Nhìn từ phía Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy, có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Ngược lại Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền và chiếm đóng.

Vấn đề thứ ba được nêu bật liên quan đến những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines. Manila còn cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS vì đã tiến hành đánh cá và các hoạt động xây dựng gây phương hại đến các quyền lợi biển của Philippines. Cuối cùng Philippines kêu gọi tòa án lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Quan điểm của Trung Quốc về vụ kiện

Về phía Trung Quốc, quan điểm của nước này là muốn trực tiếp thương lượng với Philippines và với từng nước trong số 4 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, vì như thế sẽ chiếm được thế thượng phong, với tầm cỡ và ảnh hưởng của mình. Bắc Kinh kiên quyết phản đối đưa tranh chấp ra trước một định chế quốc tế, có thể mang lại cho Mỹ cơ hội để can thiệp.

Trung Quốc lý sự rằng Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện Philippines, vì liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, vốn nằm ngoài quyền hạn của tòa án này. Theo các quan chức Bắc Kinh, cho dù lấy cớ là nhằm làm rõ các quyền trên biển theo UNCLOS, Philippines đang cố gắng phá hoại “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Họ đặt câu hỏi, chẳng hạn làm thế nào Philippines có thể nói rằng các yêu sách của Trung Quốc là quá đáng, nếu trước tiên không xác định giới hạn lãnh thổ.

Phía Philippines nói rằng Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện ở Tòa án quốc tế vì biết là những cơ sở về lịch sử dựa vào để yêu sách chủ quyền, từ rất lâu đã không còn được xét đến trong các hiệp ước của thời đại tân tiến hiện nay, như UNCLOS.

Giới quan sát quốc tế nhận thấy Trung Quốc đang tự mâu thuẫn. Nếu họ bất chấp Tòa trọng tài quốc tế, coi bản phán quyết vô giá trị, thì tại sao họ phải lên tiếng trước, yêu cầu Mỹ đừng can thiệp? Tại sao họ lại đưa hải quân ra tập trận ở ngay vùng quần đảo Hoàng Sa, một tuần lễ trước ngày phán quyết, để hăm dọa và chặn trước phản ứng của các nước Đông Nam Á? Hơn nữa, tại sao trong tuần trước họ vẫn ồn ào khoe rằng lập trường của mình đã được 60 quốc gia trên thế giới ủng hộ? Giới phân tích cho rằng thái độ hung hăng phản đối cùng chiến dịch đe dọa và tấn công ngoại giao chỉ chứng tỏ rằng Bắc Kinh thực sự đang lo sợ. Sở dĩ Trung Quốc lo hoảng trước về phán quyết của Tòa Trọng tài là vì, nếu Philippines thắng, hậu quả sẽ không thể đoán trước được. Trước hết, một phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên những bãi đá và hòn đảo của Philippines sẽ mở cửa cho Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước khác thi thố hải quân, xác định quyền lưu thông tự do trong vùng Biển Đông. Họ sẽ không ngần ngại tạo thêm áp lực, dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, những nước khác đang bị Trung Quốc lấn áp sẽ mạnh dạn hơn khi đối đầu với Bắc Kinh; nhiều nước sẽ đệ đơn kiện về các vụ tranh chấp khác. Indonesia đã bầy tỏ thái độ cứng rắn. Malaysia đang noi theo…

Hieu het vu Philippines kien Trung Quoc trong 3 phut - Anh 2

Một phiên xét xử của PCA

Tòa án PCA là gì và cách thức ra phán quyết?

Có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), Tòa án Trọng tài Thường trực là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và “các phương tiện ôn hòa khác”. Được khai sinh năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm “những phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài”. Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước UNCLOS, để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu. Cái tên Tòa án Trọng tài Thường trực có thể gây hiểu lầm, vì đây không phải là một tòa án theo đúng nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Tòa án Trọng tài Thường trực là một định chế thường xuyên, thông qua các phiên trọng tài để giải quyết những bất đồng cụ thể. Các phiên tòa thường họp kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ phi có sự đồng ý của đôi bên. Một vụ kiện được đưa ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước thất bại, hay khi bất đồng xảy ra giữa một Nhà nước và một tổ chức công hoặc tư, hay có thể giữa hai đối tác tư nhân.

Một phiên trọng tài sẽ được chỉ định để phụ trách hồ sơ này. Gồm một, ba hay năm thành viên do các bên tranh chấp chỉ định, phiên tòa này do một trọng tài làm chủ tọa, và trọng tài này cũng phải được các bên đồng ý.

Tất cả các quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Tuy nhiên nếu một trong các bên không hài lòng về phán quyết, thì có thể yêu cầu Tòa án Trọng tài Thường trực giải thích. Nhưng làm thế nào để buộc các bên tôn trọng phán quyết của tòa là một điều rất khó khăn. Việc thực thi phán quyết thường là điểm yếu của các định chế tư pháp quốc tế. Các nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa án này có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.

Phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết của PCA?

Dự đoán về phản ứng của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi thái độ và bác bỏ các phán quyết của tòa. Thế giới sẽ chứng kiến một chiến dịch tuyên truyền “gây sốc và sợ hãi”. Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của Tổng thống Philippines để mở các cuộc đàm phán. Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết. Có thể đó là hình thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, và gây áp lực với Tổng thống Duterte giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.

Điều cơ bản là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi này. Trung Quốc sẽ không gia tăng quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà sẽ tiến hành từng bước.

Đăng nhận xét