Ads (728x90)

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2016 có chủ đề "Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương” đã khai mạc tại thủ đô Lima, Peru.

Khai mac Tuan le Cap cao APEC tai Peru - Anh 1

Nguồn: andina.com.pe

Sự kiện bắt đầu từ ngày 14 đến 20/11, quy tụ các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC, thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước APEC sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển vốn nhân lực.

Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong cả năm APEC 2016.

Ngoài hàng loạt sự kiện quan trọng, các cuộc gặp song phương và đa phương, ban tổ chức nước chủ nhà Peru dự kiến sẽ có thêm 150 hoạt động quảng bá, xúc tiến.

Phát biểu với báo giới, ông Carlos Canales, Cục trưởng Cục Du khách và Hội nghị Lima, cho biết những sự kiện này sẽ mang lại hơn 80 triệu USD cho nền kinh tế Peru, trong đó thủ đô Lima thu lợi 50 triệu USD từ các hoạt động kinh doanh.

Theo ông Canales, hình ảnh của đất nước Peru sẽ để lại ấn tượng cho khoảng 15.000 quan khách, đại biểu và giới doanh nhân các nước tham dự các sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao APEC và những người này sẽ là làm cầu nối, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Peru.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, bên lề sự kiện, các doanh nghiệp Trung Quốc và Peru đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 2 tỷ USD, liên quan tới ngành công nghiệp nhẹ, dệt may, nông sản, dược phẩm, kim loại và khai khoáng.

APEC được thành lập năm 1989, là diễn đàn của 21 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực các nước thành viên APEC có khoảng 2,8 tỷ dân, chiếm 57% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và 49% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Lam An

Đăng nhận xét