Ads (728x90)

Chiều về trong căn nhà nhỏ của bà Cần thật buồn, con trai ngồi nhe răng cười nói vô hồn còn bà cụ nước mắt ngắn dài. Ở độ tuổi thất thập, dù mắc nhiều căn bệnh khó chữa nhưng bà vẫn phải oằn lưng kiếm từng đồng lẻ bằng những mớ ve chai hàng ngày nhặt được bên đường để mưu sinh.

Chúng tôi đến căn nhà nhỏ, tối tăm của cụ bà Nguyễn Thị Cần thuộc thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào lúc chập tối. Để đến được nhà bà Cần, phải đi qua con đường đất bụi tung mù mịt ở giữa cánh đồng, sau đó đến một khu dân cư nhỏ. Người dân nơi đây không ai không biết bà Cần đã hơn 70 tuổi mà hàng ngày vẫn phải đi nhặt phế liệu ven đường về nuôi con tâm thần.

Ngôi nhà cấp bốn của bà Cần nằm sâu trong ngõ, mái lợp đã lâu với những viên ngói lành xen lẫn viên nứt vỡ, càng làm cho ngôi nhà trở nên sơ sài, cũ nát hơn. Từ ngoài cổng ngôi nhà, đã thấy những chai lọ lổn nhổn, bao tải, thùng cát tông… tất cả những đồ có thể bán đồng nát được bà Cần chất đầy ở sân.

Khi chúng tôi đến bà Cần vẫn chưa về nhà, căn nhà nhỏ của bà không cần khóa cửa, lúc nào cửa cũng mở toang vì cả nhà cũng không có thứ gì đáng giá lo mất. Khoảng 15 phút sau bà Cần về nhà, nhìn dáng đi tập tễnh, đôi chân đen kịt vì nứt nẻ và bẩn của bà chúng tôi không khỏi xót lòng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cơ thể bị đủ loại bệnh tật hành hạ nhưng hằng ngày bà vẫn “thân cò” nhặt nhạnh từng vỏ chai đem bán. Cuộc đời của bà là những tháng ngày vất vả, vừa lo toan miếng cơm manh áo vừa lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho người con bệnh tật. Đôi bàn tay nhăn nheo, quờ quạng xếp từng lon bia, vỏ nhựa, tờ báo cũ… vào chiếc bao bố đã cũ nát, bà kể lại những bước thăng trầm đời mình. Cũng như bao cô gái thôn quê khác bà sớm lấy chồng, lập cho mình một tổ ấm riêng.

Niềm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng là khi lần lượt chứng kiến những đứa con ra đời, tuy cuộc sống nghèo khó nhưng vợ chồng bà luôn cố gắng nuôi các con khôn lớn. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong bình yên khi các con bà Cần còn nhỏ.

Dù cái đói, cái nghèo bủa vây nhưng chẳng bao giờ bà than vãn. Bà có hai cậu con trai và 3 cô con gái nhưng năm 1979 tai họa ập xuống gia đình bà khi con trai cả của bà bị điện giật, tai nạn đó đã cướp đi của bà cậu con trai thông minh, nhanh nhẹn. Từ đó đến giờ bà cùng chồng phải làm lụng vất vả để nuôi một đàn con, hàng ngày bà và chồng làm công việc đồng áng, ngoài mùa vụ thì ai thuê gì bà làm nấy, cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ bà kêu than một lời, luôn luôn cố gắng hết sức để nuôi các con khôn lớn.

Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến khi cậu con trai thứ hai của bà phạm tội phải vào tù, các con gái thì đi lấy chồng ở xa, không thường xuyên về thăm mẹ được. Những tưởng tai ương chỉ dừng lại ở đó nhưng số phận lại trêu ngươi, năm 2006, chồng bà bị tai nạn giao thông đã mãi mãi từ giã cuộc sống này, bỏ bà lại với người con khờ dại.

Nguoi me 70 tuoi tan tao nhat ve chai nuoi con dien dai - Anh 1

Bà Cần và đứa con bị tâm thần. (Ảnh Huy Trung)

Mỗi lần lên cơn, con trai bà bỏ nhà đi mất mấy ngày, lúc bình thường người con này của bà Cần rú lên những câu vô nghĩa, nhìn đứa con mình mang nặng đẻ đau người không ra người nửa tỉnh nửa mê, trái tim bà thêm quặn thắt “Nhà có hai mẹ con tự trông nhau, tôi già yếu không giữ được nó, có những lúc nó chạy được ra ngoài là bỏ đi mấy hôm không tìm được. Nhiều khi người làng đi gặp biết con mình họ dắt về cho”.

Nhiều lúc người con trai của bà còn lên cơn điên đi đốt nhà, đốt đồ đạc của nhà hàng xóm, những lúc đó đi dắt con về bà vừa đi vừa rơi nước mắt, thương cho số phận của mình: “Nhìn nhiều nhà người ta được quây quần bên con cháu mà tôi chạnh lòng, dù như vậy nhưng tôi cố gắng nuôi con cho đến khi không thể tiếp tục được nữa”. Vài chục ngàn từ gánh ve chai chỉ có thể lo cho 3 mẹ con rau cháo qua ngày.

Hằng ngày phải chăm sóc, tắm giặt cho con đã lấy đi của bà Cần không biết bao nhiêu sức lực. Vì tuổi cao sức yếu cộng với sự thiếu thốn trăm bề nên nhiều năm nay, bà Cần mang trên mình các căn bệnh tuổi già khó chữa: “Một tháng 30 ngày, thì 29 ngày tôi cố gắng đi khắp các con đường, càng đi nhiều càng tốt để nhạt nhạnh đồ đạc về bán lấy tiền mua gạo cho con ăn”.

Những khi bà Cần đi làm, người con ngây dại của bà được nhốt ở trong căn bếp nhỏ để không chạy lung tung ra đường, sẩm tối khi bà về đến nhà mới mở cửa để thay quần áo cho con, cho con ăn và tắm giặt. Người con gần 40 tuổi của bà gầy còm chỉ có da bọc xương, mồm ú ớ không ra tiếng, cũng không biết phân biệt người quen người lạ.

Bà Cần đau xót nói: “Con tôi nó không biết gì, thay quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh cũng một tay tôi lo hết”. Khi chúng tôi hỏi một ngày thu được bao nhiêu tiền từ việc đi nhặt ve chai, bà Cần buồn rầu nói: “Chỉ đủ ăn thôi đã rất khó khăn, chứ đừng nói đến tiền thuốc thang chữa bệnh. Hàng xóm xung quanh, ai cũng thương tôi, nhưng cảnh nghèo cũng chỉ thỉnh thoảng giúp được cho cụ nắm gạo, mớ rau. Tôi cũng già rồi, làm không được bao nhiêu nhưng mà tôi còn sống còn đỡ, chứ tôi đi rồi không biết đứa con tôi phải làm sao!”.

Căn nhà cũ nát xập xệ, nặng mùi xú uế mang đến cho người ta cảm giác âm u, lạnh lẽo. Những mảng vôi bong tróc vương vãi khắp nền nhà. Nhìn cảnh ấy, bà con lối xóm chạnh lòng thương cho đứa con ngây dại, luôn miệng cười nói mà không nhận biết được ai, lại thương hơn cho bà Cần suốt ngày còng lưng, cặm cụi sớm hôm với mớ đồng nát.

Một người hàng xóm tốt bụng thường xuyên ghé thăm nhà bà Cần cho biết: “Ở quê nhiều người khổ không ai giúp được nhiều nên tôi cũng chỉ có mớ rau, lạng thịt thì mang qua cho bà, nhiều lúc có thóc thì đi xát cho bà mất chục cân gạo để ăn. Nhìn bà cả ngày đi nhặt ve chai mà vẫn không đủ tiền ăn tôi thương bà lắm nhưng không biết làm sao”.

Cái tuổi xế chiều đang từng ngày ăn mòn sức khỏe của bà nhưng mỗi ngày thức dậy, bà vẫn luôn lao động miệt mài để kiếm tiền mua gạo nuôi con. Gánh nặng đèo bòng luôn quấn lấy người phụ nữ bất hạnh không may có người con không khỏe mạnh. Tưởng chừng như cuộc sống bế tắc không lối thoát, nhưng bà Cần vẫn không bao giờ chịu đầu hàng số phận vì quanh bà, những người tốt vẫn luôn hiện hữu.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Cần thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh hoặc Quỹ Nhịp cầu Plus - Tòa soạn Pháp luật Plus. ĐT: 0976 161 456.

Huy Trung

Đăng nhận xét