Ads (728x90)

Bảy năm sau khi vợ qua đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình đã quyết định phát hành cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên – PV) đến với đông đảo công chúng. Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, nhạc sĩ “Gửi nắng cho em” xúc động tâm sự, nhờ cuốn hồi ký này mà ông luôn có cảm giác vợ mình vẫn ở đâu đây, chưa hề rời bỏ cuộc đời.

Nguoi vo tao khang trong tam su cua nhac si Pham Tuyen - Anh 1

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và bìa cuốn hồi ký của người vợ quá cố (ảnh nhân vật cung cấp).

“Giở sách ra như thấy bà ấy chuyện trò”

Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã 86 tuổi. Sau khi vợ mất, ông vẫn gắn bó với căn hộ tập thể ở phố Vạn Bảo (Hà Nội) như hơn 20 năm qua. Nhắc đến bà Ánh Tuyết, đôi mắt ông lại rưng rưng. Mới đây, gia đình nhạc sĩ đã quyết định phát hành cuốn hồi ký 450 trang của bà tới đông đảo công chúng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tiết lộ, suốt những năm đầu tiên khi vợ ông viết hồi ký, cả gia đình không một ai biết. Thấy vợ cặm cụi bên máy tính, ông chỉ nghĩ bà làm việc như bình thường mà không ngờ được rằng người vợ tận tụy ấy đã dành trọn những năm tháng cuối đời để viết hồi ký cho mình, cho cả chồng như một cách trả nợ cuộc đời và lưu giữ những tư liệu quý giá.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Vợ tôi mất đã 7 năm rồi nhưng mỗi khi tôi giở sách ra như thấy bà ấy chuyện trò, như nghe từng hơi thở, bước chân vẫn còn ở đâu đây. Mỗi câu chuyện nho nhỏ chúng tôi nói cùng nhau từ năm nào đó, tôi cảm giác như bà ấy vẫn đang nói hàng ngày, từ chuyện bà ấy làm luận văn tiến sĩ, tôi giúp bà ấy trình bày bản báo cáo như thế nào, cho tới những lần ai đó hỏi tôi về hoàn cảnh ra đời các ca khúc, tôi lại phải giở hồi ký của vợ ra vì trong sách có tất cả, từ ngày tháng, kỷ niệm đi theo. Giữa tôi và vợ, ngoài duyên vợ chồng là tình cảm hết sức đặc biệt đến mức đọc hồi ký của bà ấy, bạn bè tôi ở Huế còn nhận định, đây là cuốn “nhật ký song trùng”. Bà ấy viết mà như tôi đang viết, viết cho mình, cho chồng và cả gia đình chồng”.

Trước khi qua đời, suốt 30 năm, bà Ánh Tuyết phải chống chọi với bệnh tiểu đường, chưa kể bà bị cả chảy máu dạ dày và nhiều căn bệnh khác. Nhưng người vợ, người mẹ kiên cường ấy không muốn chồng con phải bận tâm suy nghĩ nên lạc quan đối diện với bệnh tật. Cả hai con gái đều đang học bên Nga, bà thống nhất với chồng không báo gì để các con yên tâm học tập. Mỗi khi bệnh tình trở nên nguy cấp, phải nằm viện, các học sinh, sinh viên nhiều thế hệ lại thay nhau chăm sóc bà.

Những “bí mật” gia đình

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Quảng Bình, cả cha mẹ đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Cha hi sinh khi mới 9 tuổi, cuộc sống của bà trải qua nhiều thăng trầm và nỗi ám ảnh “không gia đình” đeo bám. Trong hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” của bà Ánh Tuyết có rất nhiều “bí mật” về gia đình lần đầu tiên được tiết lộ với đủ sắc thái buồn đau, hạnh phúc, từ mối tình đầy sóng gió với nhạc sĩ Phạm Tuyên đến sự gian lao, vất vả sau này. Niềm hạnh phúc lấp lánh hồi ký của bà chính là cuộc sống của hai vợ chồng và hai cô con gái có cái tên na ná nhau: Tuyên – Tuyết – Tuyền – Tuyến. Khi bà sinh con gái thứ hai với nỗi lấn cấn trong lòng vì nghe mọi người nói ra nói vào chuyện “sinh con một bề” thì nhạc sĩ Phạm Tuyên vui vẻ động viên: “Con gái nhà mình gấp ba lần con trai nhà người ta đấy”. Con gái tròn hai tháng, bà đã đi dạy tận nơi sơ tán, sáng sớm đi, tối mịt mới về.

Giữa bối cảnh tan hoang, đổ nát vì chiến tranh, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam “ưu ái” xếp cho sống trong căn hộ 18m2, sau này chuyển đến căn hộ 24m2 ở Khu tập thể Khương Thượng mua theo phương thức trả dần. Dù ở đâu, dưới bàn tay chu đáo và con mắt thẩm mỹ của bà Ánh Tuyết, không gian sống của gia đình vẫn được ngăn đủ phòng cho bố mẹ, các con và bốn mùa đều có hoa tươi.

Một trong những kỷ niệm xúc động được viết trong hồi ký là cảnh nhạc sĩ Phạm Tuyên thấy vợ con mình vất vả dậy từ 2-3h sáng xếp hàng theo tem phiếu đã nhận nhiệm vụ đi thay. Ông mang theo cuốn sách đọc trong lúc chờ đợi, nhưng đọc say sưa đến nỗi các cô mậu dịch lớn tiếng gọi “Phạm Tuyên” mấy lần mà vẫn không nghe. Những người cầm sổ gạo gần đó nghe cái tên quen thuộc trên đài phải chạy lại nhắc nhở thì nhạc sĩ mới sực tỉnh, vội vàng chạy đến quầy trong ánh mắt vừa thương cảm, vừa buồn cười của đám đông.

Về cuốn hồi ký của người vợ quá cố, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Các biên tập viên nhà sách khi làm việc với bản thảo cứ hỏi tôi: “Hay là bác viết?” vì quả thực có những chuyện tưởng rằng chỉ có thể là cá nhân tôi biết như hoàn cảnh viết một ca khúc, chuyện “bếp núc, hậu trường” âm nhạc. Có thể nói, cuốn sách của bà ấy không đơn thuần là hồi ký của một người già nhớ gì viết nấy, mà đó là cả một công trình với cả tình yêu, trách nhiệm cho gia đình, cuộc sống với văn phong vừa mạch lạc của khoa học, vừa tinh tế của nghệ thuật, lại lấp lánh ân tình của cuộc đời”.

Phải “chiến đấu” với bệnh tật, giữa lúc ở lằn ranh giới sự sống – cái chết quá mong manh, điều bà Ánh Tuyết ám ảnh nhất là nhạc sĩ Phạm Tuyên cứ ôm lấy vợ mà nói trong đau buồn: “Em đừng bỏ anh mà đi trước nhé!”. “Những lúc đó, tôi chỉ giấu nước mắt mà nghĩ bụng: Em sẽ cố gắng sống, em sẽ đi sau anh ít nhất là nửa năm để còn lo cho anh thật chu toàn mới nhắm mắt được”, bà Ánh Tuyết viết trong hồi ký.

Thành Nam

Đăng nhận xét