Ads (728x90)

Đưa hết lương cho vợ giữ là để chi tiêu tiết kiệm vì tương lai chung, đức lang quân nào chẳng mong điều tuyệt vời ấy.

Mới đây, một vị lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã giải thích rõ hơn hành vi bạo lực giới. Theo đó, bạo lực giới không chỉ là nắm đấm, hành hung, mà đôi ngay cả những hành vi đay nghiến, chửi vợ/chồng, hay việc giữ hết lương chồng/vợ cũng là hành vi bạo lực giới. Tưởng rằng quan điểm trên sẽ làm cho cánh mày râu Việt nức lòng, song qua cuộc khảo sát nhỏ, phóng viên Đất Việt nhận được kết quả khá bất ngờ.

Hỏi thăm một số quý ông nơi công sở, một số ông chồng tâm sự, khi hạnh phúc được vun đắp cùng một người họ tin tưởng để sống đến cuối đời, tài chính, kinh tế là những thứ vụn vặn.

"Khi ấy người đàn ông thấy có trách nhiệm hơn với gia đình của mình, nhất là những anh chi tiêu vốn xông xênh. Trước khi lấy vợ, lương có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu thì lấy vợ rồi thấy khoản dư cũng nhiều ra gớm. Tiền ấy lại để chi tiêu cho con cái, sinh hoạt, ốm đau... Những cái đó, vợ lo hết thì không xuể nên vợ chồng chia sẻ tài chính là bình thường" - anh Quý (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ.

Giu het luong chong la bao hanh: Chong Viet tinh nguyen - Anh 1

Vợ chồng cùng san sẻ trách nhiệm chung gia đình là chồng tình nguyện.

Tỏ ra nghi ngờ về việc đàn ông tình nguyện đưa lương cho vợ giữ, anh Quý khăng khăng: "Đàn ông bây giờ khác xưa rồi. Nói vậy để mà thấy có niềm tin vào anh em chúng tôi. Ít ra cũng là người lo lắng chu toàn cho tương lai chung. Người vợ cũng chẳng phải những bà tiểu yêu sách nhiễu lấy cả xu mẻ tiền lương mà không để lại đồng bạc cho chồng chi tiêu cá nhân mấy cốc trà đá ngồi với anh em hay tiền cà-phê đi gặp khách hàng. Đàn ông chẳng có vài tờ màu xanh trong ví thì mất hẳn cả giá trị. Chị em nhẽ nào cũng muốn cả cơ quan chồng dỉu môi chê bai?"

Anh Quý cho rằng, có những người đàn ông, họ thấy câu chuyện nhạt vị thì lại lôi những đề tài xưa cũ ra để mà bàn tán như: "Mụ vợ lấy hết tiền của em rồi", hay kiếm cớ lấy vợ để không la cà quán xá.

"Mấy cái chuyện nói trên bàn nhậu, nói riêng, tốt nhất đừng tin. Cái tôi ở trên bàn nhậu nó lớn, nhiều khi cũng mang ra làm câu chuyện làm quà chứ thật ra bản tính đàn ông đâu phải lúc nào cũng ham mê gái đẹp, thích giữ quỹ đen... Nếu biết "đàm phán" với vợ, cái quỹ đen ấy tốt nhất cũng cứ "công khai minh bạch" ra cho dễ sống", anh cười.

Anh Trần Đăng (Đội Cấn, Ba Đình) cũng chung quan điểm này.

"Nói bị vợ giữ lương thì ông nào cũng kêu "Chuẩn!". Anh cũng là vợ giữ lương đây. Nhưng đây là anh tình nguyện. Mình nói trước với vợ sẽ dành một khoản để tiêu cho đến khi trả lương tháng sau, còn lại vợ giữ. Vợ cũng đặt mục tiêu bỏ bao nhiêu % trong số lương của vợ để tiết kiệm, còn lại chi tiêu chung. Thực ra, điều đó cũng chẳng có gì mà tính toán" - anh Đăng cho hay.

Theo anh, hai vợ chồng có thể hòa hợp đã biết những khoản thu nhập của nhau, nắm các khoản tiết kiệm hay tài khoản ngân hàng của nhau thì sẽ tin tưởng nhau khi giao tiền hơn.

"Vợ hay chồng ngoài việc chung cũng phải đi làm cả, loanh quanh mấy chuyện ghè giữ tiền lương của nhau chỉ thêm mệt", anh Đăng cười.

Hỏi thêm một số đức lang quân, thấy rõ xu hướng chung của những quý ông thời hiện đại, biết lo lắng cho gia đình bằng việc san sẻ gánh nặng tài chính cho người vợ, lên kế hoạch chi tiêu và biết đàm phán mức quỹ đen hợp lý cho chi tiêu không quá gắt gao.

"Đàn ông có ngu đâu mà đưa hết tất cả lương cho vợ. Đàn ông cũng có những cái thú của họ như đàn bà suốt ngày ngắm nghía váy áo. Chúng tôi cũng có những nơi riêng để thỏa mãn thú vui của bản thân. Nếu cứ muốn chồng đi đâu cũng chăm chăm về với vợ, ngày nào đi làm về cũng phải về ngay với vợ, thì ông ấy chỉ có "chém gió". Khi ấy, nếu mà nói rằng hôn nhân là mồ chôn hạnh phúc thì đúng là cũng không ngoa", anh Nam (Hà Đông) tuyên bố.

"Chị nhà" giải thích

Đáp ứng băn khoăn về các quỹ đen của chồng, chị Thanh Thúy (Đội Cấn, Ba Đình) cho hay, chồng thường tự đưa lương cho vợ giữ vì lo sợ chi tiêu quá đà vì nhiều khoản chi tiêu chung chứ không như đời sống độc thân.

"Nói vợ cầm hết lương của chồng rồi mỗi ngày đặt vào ví 1 khoản để chi tiêu trong ngày thì hơi quá. Dù sao là chị em ai cũng lo lắng chồng để quỹ đen rồi chi tiêu hết đi trong khi không chịu chung các khoản chi tiêu gia đình. Nhưng chồng cũng phải đặt ra một giới hạn chi tiêu như tầm 3 triệu/tháng cho những chi tiêu cá nhân, số còn lại để vào quỹ chung. 3 triệu đó để cả trong ví sẽ không hay, không tiện thì lại để riêng ở nhà, vợ sẽ để vào mỗi ngày một ít" - chị Thúy giải thích.

Giu het luong chong la bao hanh: Chong Viet tinh nguyen - Anh 2

Cần khéo léo để chồng tin tưởng và có trách nhiệm với gia đình. Ảnh: Afamily

Nghĩ đi nghĩ lại, chị Thúy cho hay, chồng cũng chẳng có nhiều thứ để chi ngoài ăn uống bữa trưa ở cơ quan, trà đá chém gió hay bia bọt nhậu nhẹt thì thỉnh thoảng mới có... nếu mỗi ngày bỏ 100.000- 200.000 đồng vào ví thì cũng là hợp lý.

Chị Thúy nói: "Cái quan trọng vẫn là tạo niềm tin ở nhau. Biết khéo léo thì chồng cũng không khó khăn gì để đưa lương cho vợ giữ. Mình cũng thể hiện rằng mình đang tiết kiệm thì chồng cũng phục thôi".

Cúc Phương

Đăng nhận xét